Sống ở viện dưỡng lão: Tại sao không?

(Baohatinh.vn) - Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh (gọi tắt là trung tâm), trong ý nghĩ của nhiều người chỉ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc người có công với cách mạng và cưu mang những mảnh đời không nơi nương tựa. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều cụ già đã tự nguyện vào sống ở trung tâm.

Ông Đặng Biểu (69 tuổi, quê huyện Lộc Hà) ở trung tâm đã 4 năm nay. Hơn 4 năm về trước, ông bị tai biến nằm liệt giường. Vợ ông lại ốm yếu không đủ sức khỏe để chăm sóc, 4 người con mỗi đứa một phương. Thương vợ, thương con, ông quyết định vào trung tâm để sống. Ban đầu, các thành viên trong gia đình đều rất ngỡ ngàng và kịch liệt phản đối. Sau đó, ông phải viện rất nhiều lý lẽ thuyết phục thì con cháu mới đồng ý.

Sống ở viện dưỡng lão: Tại sao không?

Sức khoẻ của ông Đặng Biểu ngày tiến triển tốt hơn sau khi vào sống tại trung tâm...

Ông cho biết: “Tôi nằm liệt giường, con cháu đã thuê nhiều người giúp việc chăm sóc nhưng do bệnh tật cộng tuổi già, nếp sống sinh hoạt khác xa nhau nên người giúp việc không hòa hợp được với tôi. Ngày mới vào trung tâm sống, sức khỏe tôi yếu lắm nhưng chỉ sau 2 tháng được cán bộ nuôi dưỡng, chăm sóc tận tình, sức khỏe đã ổn định. Ngoài việc hỗ trợ thêm 3 triệu đồng đóng cho trung tâm, con cháu tôi cũng thường xuyên vào thăm”.

Khác với ông Biểu, ông Nguyễn Xuân Linh (81 tuổi, quê ở xã Thạch Kim, Lộc Hà) lại đăng ký vào sống ở trung tâm là do mâu thuẫn gia đình. Dẫu đang sống ở Sài Gòn, ông cũng quyết định về quê và sống tại trung tâm. Ở đây có nhiều bạn già lại được chăm sóc tận tình nên tinh thần ông Linh rất thoải mái. Ông cho biết: “Tôi năm nay đã 81 tuổi rồi, sống thêm được ngày nào phải cố gắng sống vui, sống khỏe. Vào trung tâm sống là một lựa chọn đúng của tôi”.

Sống ở viện dưỡng lão: Tại sao không?

Còn đối với ông Nguyễn Xuân Linh, sống ở trung tâm đã khiến ông vui hơn rất nhiều sau những biến cố trong gia đình

Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh trước đây chỉ nhận đối tượng là người có công với cách mạng, người già không nơi nương tựa, người thiểu năng trí tuệ, người khuyết tật mắc bệnh tâm thần. Do nhu cầu xã hội rất lớn nên UBND tỉnh cho phép nhận nuôi dưỡng thêm các đối tượng tự nguyện. Đến nay, trung tâm nuôi dưỡng 93 cụ, trong đó có 26 cụ tự nguyện.

Hiện nay, nhu cầu sống ở viện dưỡng lão đang ngày càng tăng nhưng ở Hà Tĩnh vẫn chưa có viện dưỡng lão hoạt động độc lập cũng như cơ sở cung cấp dịch vụ nuôi dưỡng, chăm sóc người già tập trung. Ông Trần Viết Tới - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội cho biết: “Thời gian qua, có một số trường hợp tìm đến, đề nghị được sống ở đây theo mô hình “xã hội hóa”. Tuy nhiên, điều kiện hiện tại chưa cho phép trung tâm đáp ứng nhu cầu này. Thời gian tới, khi được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phục vụ, chúng tôi sẽ từng bước tính toán để cải tạo, mở rộng thêm”.

Sống ở viện dưỡng lão: Tại sao không?

Đến sống tại trung tâm, người già được chăm sóc tận tình

Ở quy mô lớn hơn, HĐND tỉnh vừa thông qua đề án “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh duy trì, cải tạo, nâng cấp 7 cơ sở trợ giúp xã hội với tổng công suất tiếp nhận, nuôi dưỡng 592 đối tượng. Đến năm 2025 sẽ tăng thêm 2 cơ sở với tổng quy mô công suất tiếp nhận, nuôi dưỡng là 1.620 đối tượng.

Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội hiện tại hay viện dưỡng lão trong tương lai đang và sẽ được nhiều cụ già lựa chọn bởi đó là môi trường phù hợp để giải quyết những khó khăn, gánh nặng chăm sóc người già cho gia đình, xã hội. Ở độ tuổi xế chiều, vật chất không còn quá quan trọng nên ở đâu mà người già cảm thấy thoải mái, hạnh phúc thì ở đó chính là mái ấm.

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.