Văn hóa thấm sâu vào đời sống
Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh vào tháng 5/2022. Hội nghị đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh.
Hội nghị văn hóa toàn tỉnh được tổ chức tháng 5/2022.
Dòng chảy văn hóa tiếp tục được bồi đắp, thấm sâu vào đời sống, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn trên mảnh đất giàu truyền thống. Từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đến người dân đều thấm nhuần quan điểm của Đảng: Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Các chương trình hành động bảo tồn di sản có nhiều nét mới, nổi trội. Gìn giữ và phát huy vốn quý của cha ông để lại, năm 2022, ngành VH-TT&DL đã tích cực bảo tồn các di sản vật thể, phi vật thể. Đó là lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới; tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Cuộc đời và sự nghiệp”; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thành công hội thảo cấp quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hà Nội.
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” được tổ chức tại Hà Tĩnh tháng 3/2022.
Cùng với lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được công nhận là lễ hội quốc gia, các hoạt động này thêm một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa của các di sản, đồng thời tạo sức hút du khách đến với quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn.
Những ngày này, trong niềm vui kết thúc một năm đầy nỗ lực, mở ra một năm mới đầy triển vọng, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vui mừng khi ngày 26/11 vừa qua, tại Hàn Quốc. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) được công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện này làm dày thêm những vỉa tầng văn hóa vật thể của làng Trường Lưu, ngôi làng sở hữu 3 di sản thế giới và đặt ra trách nhiệm cho các ngành, các cấp, đặc biệt là huyện Can Lộc trong việc phát huy giá trị di sản, đưa di sản đến gần hơn với đời sống.
Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ giới thiệu với nhà báo Bùi Minh Huệ về một sắc phong trong bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản vật thể, năm 2022 các huyện, thành phố, thị xã, các chủ sở hữu di tích huy động được trên 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích như: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh); chùa Am (Đức Thọ), chùa Côn Sơn (Hương Sơn), di tích Cầu Nhe (Can Lộc), di tích Miếu thờ liệt sỹ trong lòng hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên)...
Hoạt động bảo tồn các di sản phi vật thể tiếp tục được toàn dân quan tâm. Sự ra đời của các câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm trong năm 2022, đặc biệt là trong các trường học đã cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản trong đời sống đương đại.
Truyện Kiều vẫn lưu giữ, phát huy được giá trị văn hóa trong đời sống của người dân Hà Tĩnh nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.
Đội ngũ nghệ nhân cao tuổi say mê, tâm huyết gìn giữ “báu vật” của cha ông. Họ có mặt ở khắp mọi miền, say sưa sưu tầm, sáng tác, biểu diễn như: Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ban (Nghi Xuân); Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm (huyện Kỳ Anh); Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hoàng (Đức Thọ); Nghệ nhân Dân gian Lê Diễn Quyết, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (Cẩm Xuyên); Nghệ nhân Ưu tú Trần Minh Chính (Thạch Hà); Nghệ nhân Ưu tú Thanh Minh, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thị Minh Nguyệt (TP Hà Tĩnh)…
Tiết mục Cung đàn Thúy Kiều của Phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân trong Liên hoan “Tiếng hát giáo viên ngành GD&ĐT năm 2022”.
Cùng với các hoạt động bảo tồn dân ca ví, giặm, ca trù, hoạt động diễn xướng Truyện Kiều cũng được duy trì thường xuyên và thêm các loại hình mới. Ngoài chính sách chung của tỉnh, để “nuôi dưỡng” các CLB và “hâm nóng” bầu nhiệt huyết của nghệ nhân, các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn còn có chính sách hỗ trợ riêng cho các CLB và nghệ nhân. Năm 2022, huyện Can Lộc ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm; TP Hà Tĩnh xác định tập trung vào chủ đề văn hóa, giáo dục… Điều đó cho thấy, bảo tồn di sản đã trở thành nhận thức sâu sắc trong cấp ủy, chính quyền các địa phương và trong tình cảm của mỗi người dân.
Phát huy các giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh
Từ tư duy và nhận thức về vai trò, vị trí, sức mạnh to lớn của văn hóa, cấp ủy, chính quyền, ngành VH-TT&DL đã có nhiều hành động để biến các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng thành hiện thực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã có bước phát triển mới.
Thị trấn Phố Châu - huyện Hương Sơn ngày càng phát triển.
Trong đó, phong trào xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có những chuyển biến mới nhờ sự ra đời của nhiều ngôi nhà trí tuệ, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ... Tiêu chí văn hóa được các thôn, tổ dân phố nỗ lực xây dựng nhằm tạo ra đời sống tinh thần sôi nổi trong các cộng đồng dân cư.
Khi văn hóa thấm sâu vào đời sống, các sự kiện văn hóa, lễ hội ở các địa phương như lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, lễ hội Cầu ngư, lễ giỗ Hùng Vương, lễ hội chùa Hương Tích... được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó, hình ảnh một vùng quê văn hóa lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm, tham gia của Nhân dân mọi miền trên cả nước.
Lễ hội Cầu Ngư (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên).
Các địa chỉ du lịch như Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích Nguyễn Du, chùa Hương Tích, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông... rộn ràng bước chân du khách gần xa. Những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh như nhân ái, thủy chung, gắn kết cộng đồng được nhân lên trong đời sống. Đó cũng chính là động lực để người dân Hà Tĩnh linh hoạt, sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh không ngừng được củng cố và nhân rộng. Các CLB dân ca, dân vũ phát triển vô cùng rầm rộ ở hầu khắp các xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học, tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi, gắn kết trong cộng đồng.
Núi Hồng - sông La.
Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: Năm 2022, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh được nhận cờ đơn vị dẫn đầu của Bộ VH-TT&DL. Nối tiếp thành quả đã đạt được, năm 2023, Hà Tĩnh xác định tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn dân về vai trò, vị trí của văn hóa, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu; hoàn thiện Đề án phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình BCH Tỉnh ủy ban hành nghị quyết.
Mục tiêu đề án hướng tới là phát huy các giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa Hà Tĩnh, con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn di sản, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm văn hóa...
Một mùa xuân mới lại về trên quê hương Hà Tĩnh.
Một mùa xuân vui tươi với những sắc màu mới đang đến trên quê hương Hồng La giàu trầm tích văn hóa và khát vọng đổi thay. Giá trị văn hóa và sức mạnh con người là tài sản to lớn để Hà Tĩnh vươn tới mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.