Trong khuôn khổ thỏa thuận Mỹ- Nga đạt được sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damacus ngày 21/8 năm ngoái làm hàng trăm người thiệt mạng, Chính phủ Syria đã cam kết chuyển giao các loại vũ khí hóa học nguy hiểm nhất ra khỏi lãnh thổ trước ngày 5/2, song thời hạn này đã không được đáp ứng.
Một chiếc tàu của Đan Mạch tham gia vận chuyển vũ khí hoá học ra khỏi Syria (Ảnh AFP) |
Trên tổng số 1.300 tấn chất hóa học được Tổ chức cấm vũ khí hóa học xác nhận, mới chỉ có 10% được đưa ra khỏi lãnh thổ Syria theo 3 giai đoạn.
Trước những chỉ trích quốc tế về sự chậm trễ này, chính quyền Syriar hồi tuần trước đã đề xuất một chương trình mới theo đó sẽ chuyển giao toàn bộ kho vũ khí hóa học trong vòng 100 ngày, tức là từ nay đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Tuy nhiên, Tổ chức cấm vũ khí hóa học và Liên Hợp Quốc cho rằng, Syria vẫn đủ khả năng đẩy nhanh tiến trình, bất chấp xung đột trong nước.
Theo lộ trình mới, số chất hóa học còn lại tại Syria sẽ được chuyển tới cảng Latakia trước ngày 13/4 để có thể đưa ra biển để tiêu hủy. Một thời hạn bổ sung kéo dài tới ngày 27/4 cũng được thông qua đối với việc chuyển giao vũ khí hóa học tại 2 địa điểm bất ổn nhất của nước này.
Trong khi đó, ngày 27/2 Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu chỉ trích sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 năm qua tại Syria.
Theo ông Davutoglu, với việc để cho Syria trở thành điểm đến của các nhóm Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới, cũng như để cho xung đột tiếp diễn, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và hiện nó đã trở thành một mối đe dọa trực tiếp đối với tất cả các nước.
“Toàn thể cộng đồng quốc tế cần hợp tác nhằm mang lại an ninh cho nhân dân Syria cũng như tất cả các nước láng giềng tại khu vực. Điều này có nghĩa là cùng nhau làm việc nhằm ngăn chặn sự hiện diện của tất cả những kẻ khủng bố tại khu vực”, ông Davutoglu nhấn mạnh.
Gần 3 năm sau khi cuộc khủng hoảng tại Syria bùng phát và làm hơn 130.000 người chết, xung đột giữa quân đội Chính phủ Syria và phe đối lập vẫn không hề có dấu hiệu lắng dịu.
Trong khi đó, các cuộc thảo luận hồi giữa tháng này giữa Chính phủ và phe đối lập Syria dưới sự trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng đều rơi vào thất bại và hiện các bên vẫn chưa ấn định được thời điểm để nối lại đàm phán.