Trước thông tin Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam trong bối cảnh giá mặt hàng này trong nước tăng cao kỷ lục, Bộ Công Thương khẳng định điều này khó xảy ra.
Theo Bộ Công Thương, chính sách trợ giá xăng của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, xăng dầu xuất khẩu tại đây được bán theo giá thị trường chung của khu vực.
Malaysia đang là nước có giá xăng rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á - 0,47 USD/lít, theo số liệu của Global Petro Price (cập nhật ngày 30/5). Nước này cũng nằm trong top 10 quốc gia có giá xăng thấp nhất thế giới.
Malaysia thay đổi giá nhiên liệu mỗi tuần một lần. Giá mới có hiệu lực từ 17h chiều thứ năm, giờ địa phương. Loại nhiên liệu có chất lượng thấp nhất được bán là xăng RON 95, sau đó là RON 97 và dầu diesel.
Giống như Indonesia, chính phủ Malaysia cũng trợ cấp cho các sản phẩm nhiên liệu của nước này. Tuy nhiên, sự khác biệt là Indonesia trợ cấp cho các sản phẩm nhiên liệu chất lượng thấp hơn như dầu diesel và xăng có chỉ số octan (RON) là 88 hay còn gọi là Premium.
Trong khi đó, Malaysia trợ giá trực tiếp cho các sản phẩm xăng có chỉ số octan và chất lượng cao hơn, cụ thể là RON 95.
Theo Reuters, chính phủ Malaysia đã trợ cấp cho nhiên liệu, LPG và dầu ăn khoảng 8 tỷ RM hoặc tương đương 1,95 tỷ USD vào năm 2021. Khoản trợ cấp này nhằm thiết lập giá xăng RON 95 được duy trì ở mức 2,05 RM /lít (khoảng 11.000 đồng), dầu diesel là 2,15 RM/lít (hơn 11.000 đồng), LPG là 1,90 RM/kg (khoảng 10.000 đồng) và dầu ăn ở mức 2,50 RM/gói (hơn 13.000 đồng).
Tổng ngân sách của chính phủ Malaysia vào năm 2021 là 307,54 tỷ RM. Do đó, ngân sách trợ cấp cho xăng dầu chiếm 2,6% tổng chi tiêu của nhà nước.
Tại Indonesia, ngân sách nhà nước năm 2021 (APBN) là 2.750,03 nghìn tỷ IDR. Trong đó, việc thực hiện trợ cấp nhiên liệu cho năm 2021 ước tính là 66,94 nghìn tỷ Rp. Tỷ lệ trợ cấp nhiên liệu trong APBN là 2,43%, thấp hơn so với Malaysia.
Theo hồ sơ của OPEC, nhập khẩu dầu trung bình của Malaysia trong giai đoạn 2010-2019 là 213.970 thùng /ngày. Trong khi đó, Indonesia nhập nhiều hơn thế, cụ thể là 334.790 thùng/ngày.
Việc nhập khẩu này diễn ra trong bối cảnh giá dầu đang có xu hướng tăng. Kể từ đầu năm 2021, giá dầu Brent đã tăng 46,94% trên toàn cầu. Trong năm ngoái, giá đã tăng vọt 79,72%. Do đó, chi phí nhiên liệu ở Indonesia đắt hơn Malaysia. Nhập khẩu đã cao, giá dầu cũng đang đắt hơn. Điều này khiến giá bán nhiên liệu phải đắt hơn.
Ngoài ra, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Dầu khí của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM) RI, Soerjaningsih, cũng giải thích ngắn gọn rằng giá nhiên liệu ở Malaysia rẻ hơn Indonesia là do Malaysia đã thực hiện chính sách cơ chế định giá tự động (APM) trong việc thiết lập giá nhiên liệu.
Chính sách APM này nhằm mục đích ổn định giá xăng (xăng RON 95, xăng RON 97) và dầu diesel ở một mức độ nhất định, thông qua việc áp dụng thuế bán hàng và trợ cấp với số lượng khác nhau. Do đó, những thay đổi trong giá bán lẻ bị ảnh hưởng bởi lượng thuế và trợ cấp theo các chính sách do chính phủ Malaysia đặt ra.
“Với chính sách APM, chính phủ Malaysia duy trì giá nhiên liệu ở một mức nhất định thông qua việc cung cấp các ưu đãi”, Soerjaningsih nói vào tháng 9/2021.