Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang rất ác liệt, Người vẫn để tâm đến môi trường sống của dân, lo cho dân, hướng dẫn dân sống cho có vệ sinh. Vào năm 1947, Người viết tác phẩm “Đời sống mới”, nêu rõ: “Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thiết thì lấp đi, cho đỡ muỗi...”.
Nói chuyện với đồng bào ở Yên Châu (Sơn La), Người căn dặn: “Đồng bào muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không? Không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”.
Người rất quan tâm đến mối quan hệ con người gắn với thiên nhiên. Về thăm đồng bào Hà Tĩnh (năm 1957), Người dặn dò: “Phải ra sức đắp đê chống lụt, đào mương chống hạn; chủ động phòng chống lũ, lụt, hạn hán nếu không thì mất mùa, đói khổ”. Ở hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp (năm 1956), Người nói: “Phải quan tâm giữ gìn tài nguyên đặc biệt đó là rừng, muốn bảo vệ môi trường sinh thái, chống được hạn hán, lũ lụt phải bảo vệ rừng, rừng là vàng, phải biết khai thác hợp lý và bảo vệ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ quan tâm thường xuyên và sâu sát đến vấn đề trồng cây, với tư duy trồng cây vừa gắn với phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường (BVMT) sống. Ngày 28/11/1959 khởi đầu Tết trồng cây, Người nói: Mỗi Tết trồng cây có được 15 triệu cây. Chúng ta vừa có cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Trong mười năm, nước ta phong cảnh ngày tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta. Trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất (ngày 11/4/1964), Người căn dặn: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thiên tai cũng là một loại giặc”, nên phải vừa kháng chiến chống thực dân Pháp vừa phải chống thiên tai lũ lụt: “Chính phủ xem công việc chống lũ lụt như công cuộc kháng chiến”. Người thiết tha kêu gọi đồng bào coi việc canh đê phòng lũ lụt là việc thiết thực của mình. Khi nói chuyện với cán bộ tỉnh Nghệ An (năm 1961), Người nhấn mạnh: Muốn chống thiên tai thì phải làm tốt thủy lợi để chống hạn, chống lũ lụt, đó cũng là làm kinh tế, để được mùa và làm cho đời sống Nhân dân cùng tiến lên.
Từ quan điểm chống thiên tai đi liền với BVMT sinh thái, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những vấn đề cụ thể về phương thức BVMT. Cần ngăn chặn kịp thời những hậu quả xấu do con người tác động vào thiên nhiên như là tệ nạn chặt phá rừng, đốt rừng làm rẫy bừa bãi, khai thác đất, đá, mỏ lung tung, xây hồ đập ngăn dòng chảy không hợp lý; hay phát động làm thủy lợi thì “phải đắp đê, đào kênh mương, be bờ giữ nước”, phát động trồng cây “phải lo hạt giống, lo vườn ươm. Trồng rồi thì phải bảo vệ”. Nói chuyện với cán bộ ngành than (ngày 15/11/1958), Người nhắc nhở: “Than rất quý nên khai thác than cũng như khoáng sản khác phải hợp lý, tiết kiệm, nếu không sẽ hủy hoại môi trường”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường gắn thiên nhiên với con người, bao gồm những vấn đề rộng lớn của đất nước đến những việc cụ thể của người dân, quán xuyến mọi lĩnh vực, khắp mọi nơi, mọi lúc đến mọi nhà, mọi người. Quán triệt tư tưởng đó, Đảng và Nhà nước ta đặt môi trường lên hàng đầu trong Chương trình phát triển KT-XH, luôn khẳng định muốn phát triển bền vững phải gắn với BVMT. Nội dung BVMT bao gồm nhiều lĩnh vực như: phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, quản lý bảo vệ tài nguyên đất và nước, khắc phục ô nhiễm, phòng chống cháy và chặt phá rừng, khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên… Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH” (15/11/2004); BCH Trung ương ra Nghị quyết số 24-NQ/TW (3/6/2013) “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường”, với tinh thần lấy BVMT sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Năm 2004, Quốc hội thông qua Luật BVMT, trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá như thay đổi phương thức quản lý môi trường; quy định các dự án đầu tư phải có các tiêu chí về môi trường; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường… Từ đó, một số dự án lớn vi phạm môi trường đã được phát hiện và xử lý như dự án Formosa, dự án mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh; xử phạt nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải làm ô nhiễm môi trường ở Đồng Nai, Bắc Ninh…
Nhà nước rất quan tâm đến việc quản lý tài nguyên nước, đất đai, rừng, biển, đảo, ứng dụng, phát huy tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu trên lĩnh vực này với nhiều chương trình, dự án được đưa thành luật, được ứng dụng và triển khai trong thực tế. Nhiều công trình công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm đất, nước và không khí, công nghệ xử lý rác thải đã và đang được ứng dụng có hiệu quả.
Đảng và Nhà nước đã xem việc BVMT là của toàn dân nên rất chú ý việc xã hội hóa hoạt động BVMT. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các thành viên, các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện nhiều cách thức tuyên truyền linh hoạt, đa dạng và phong phú, tổ chức thường xuyên và sâu rộng việc nâng cao trách nhiệm BVMT cho các tầng lớp nhân dân, xây dựng lối sống văn minh, thân thiện với môi trường, gìn giữ vệ sinh môi trường trong sạch. Tổ chức thường xuyên và sâu rộng phong trào “Tháng hành động vì môi trường”, chương trình “Toàn dân tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tổ chức đa dạng và phong phú những hoạt động về môi trường như: Tết trồng cây, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ làm cho thế giới sạch hơn, Giờ trái đất…
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT sinh thái trước tình trạng biến đổi khí hậu và hội nhập toàn cầu, tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ 4.0 về BVMT, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Lấy BVMT sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường”. Phấn đấu KT-XH phát triển thịnh vượng, phồn vinh. Mọi người được sống trong môi trường trong lành, với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.