Sáng 30/12, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà dự và chỉ đạo hội nghị. |
Trong năm qua, Sở Xây dựng đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Theo đó, công tác triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai nhất là đối với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới... góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Phạm Văn Tình trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 huyện đã được thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng huyện (còn lại huyện Kỳ Anh đang trong quá trình hoàn thiện đồ án); có 16 đô thị các loại (1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 30,0%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 61%, các dự án đầu tư xây dựng triển khai đều lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất).
Chất lượng các đồ án quy hoạch, chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý của ngành ngày càng được nâng cao. Trong kỳ, đơn vị đã thực hiện việc thẩm định 27 đồ án quy hoạch, 32 đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch, 116 quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất; tham gia chủ trương đầu tư, điều chỉnh 98 dự án…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Duy Đức: TP Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị cho việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh, vì thế địa phương mong muốn Sở Xây dựng tiếp tục hỗ trợ trong quá trình xây dựng đề án.
Công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản được quan tâm thực hiện, đặc biệt hoàn thành phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025. Đây là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án phát triển nhà và thị trường bất động sản trên toàn tỉnh trong thời gian tới.
Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 24 hồ sơ thẩm định, trong đó 21 công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư 522,804 tỷ đồng; kiến nghị các giải pháp thiết kế phù hợp, kiểm soát mức đơn giá, khối lượng theo quy định và đã cắt giảm chi phí 4,71 tỷ (tương đương 0.9% so với dự toán trình).
Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hoàng Thanh Tùng: Ban sẽ tập trung phối hợp để rà soát, đề xuất lập mới, điều chỉnh các quy hoạch liên quan trong Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó cần nghiên cứu tổng thể để xây dựng đề án mở rộng diện tích tự nhiên của khu kinh tế, tạo dư địa phát triển cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.
Công tác cải cách hành chính được chú trọng từ khâu rà soát, tham mưu ban hành các thủ tục hành chính theo quy định, tổ chức công bố công khai kịp thời. Đồng thời, thực hiện tốt cơ chế một cửa, đảm bảo hồ sơ của các tổ chức, cá nhân tới làm việc được giải quyết theo đúng quy định, nhanh chóng, kịp thời.
Công tác quản lý về hoạt động đầu tư trên địa bàn cũng được quan tâm, hướng dẫn từ khâu lập, thẩm định phê duyệt dự án, khảo sát thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, thanh tra kiểm tra quá trình xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng; thực hiện có hiệu quả việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho các cá nhân, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho các tổ chức theo quy định của Chính phủ.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà trao đổi một số vướng mắc trong thực hành công tác xây dựng trong thời gian qua.
Việc thanh tra, kiểm tra từng bước được nâng cao qua đó góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên lĩnh vực hoạt động xây dựng. Sở Xây dựng đã kiến nghị giảm trừ giá trị hợp đồng xây lắp với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, thu hồi số tiền hơn 450 triệu đồng; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với 16 tổ chức, 1 cá nhân.
Năm 2023, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành, trọng tâm là rà soát để xây dựng, triển khai thực hiện quyết liệt Quy hoạch vùng tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường quản lý về vật liệu xây dựng, kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào tại các công trình; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở; tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và kiểm tra sau cấp phép xây dựng trên địa bàn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà đề nghị Sở Xây dựng tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, cách thức phối kết hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương, trong đó tập trung việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng, quy hoạch,…; tham mưu cho UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến ngành, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là thực hiện quyết liệt Quy hoạch vùng tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022.
Đồng thời, quan tâm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng; đạo đức công vụ đối với đội ngũ số cán bộ công chức, viên chức ngành xây dựng; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí thực hiện; thực hiện nghiêm công tác quản lý trật tự xây dựng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về trật tự xây dựng…