Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không sẽ bị tác động lớn nếu chi phí các dịch vụ sân bay tăng đột biến - Ảnh: Khánh Linh |
Hàng chục loại giá dịch vụ hàng không, phi hàng không có thể tăng trong thời gian tới với mức tăng thấp nhất là 15%, cao nhất lên tới hơn 40% khiến các hãng hàng không đứng ngồi không yên vì chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí và việc tăng giá vé là không tránh khỏi.
Tăng hàng loạt loại giá dịch vụ hàng không
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa tại CHK nhóm B (Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đồng Hới, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Thọ Xuân) tăng 15%. Mức giá này tại các CHK nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ) sẽ được áp bằng 115% nhóm B. Với nhóm C (Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá), sẽ thu bằng 60% mức giá tương ứng tại CHK nhóm B.
Điều chỉnh trên được đưa ra trên cơ sở đề xuất của ACV. Cụ thể, theo doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác 22 CHK trên cả nước, mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa đã được duy trì trong vòng 5 năm. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá này chỉ bằng 32 - 72% tùy loại tàu bay.
Phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng lưu ý các cơ quan liên quan cần cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên. Phải tính toán sao cho các mức giá dần tiếp cận giá thành để đảm bảo tái đầu tư nhưng cũng phải có lộ trình hợp lý, tránh gây tác động quá lớn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. |
Cũng theo ACV, để đảm bảo doanh thu về dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay với chuyến bay nội địa đủ bù đắp chi phí (hòa vốn), mức giá cần điều chỉnh tăng 225% và để ACV lãi 10%, cần điều chỉnh tăng tới 258%.
Đề xuất lần này của ACV đã nhận được cái “gật đầu” của Cục Hàng không VN.
“Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay với chuyến bay quốc nội là cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, việc tăng giá cần có lộ trình và mức tăng phù hợp”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh nói.
Về việc áp mức cao hơn tại CHK nhóm A, ông Thanh cho biết, các cảng này khai thác 24/24h, do đó DN cảng phải đầu tư nhiều hơn, trang bị thêm hệ thống, bố trí nhân lực để phục vụ việc hạ, cất cánh ban đêm.
Ngoài những dịch vụ trên theo thông tin của Báo Giao thông, các mức giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, giá phục vụ hành khách quốc nội, giá dịch vụ sân đậu tàu bay… cũng được ACV đề xuất điều chỉnh tăng. Trong số này, đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh tăng giá phục vụ hành khách quốc nội (ACV thu từ hành khách). Được biết, mức giá đề xuất áp dụng tại các CHK tương ứng với nhóm A, B, C lần lượt là 100 nghìn, 80 nghìn và 60 nghìn/khách. So với quy định hiện hành, mức giá này tăng 42% (nhóm A), 33% (nhóm B) và không tăng tại CHK nhóm C.
“Các chi phí đầu tư xây dựng nhà ga phục vụ hành khách quốc nội không chênh lệch nhiều, trong khi mức giá bình quân dịch vụ quốc nội chỉ bằng 20% quốc tế. Việc xây dựng giá phục vụ khách quốc nội cần được xem xét trên cơ sở đảm bảo bù đắp các chi phí đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc nội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ”, ACV lý giải.
Được biết, riêng khoản tăng này nếu được thông qua sẽ mang về cho ACV hơn 558 tỷ đồng chỉ trong 1 năm 2017.
ACV đề nghị tăng giá dịch vụ hạ, cất cánh, dịch vụ sân đậu tàu bay và cả những dịch vụ liên quan tới hành khách - Ảnh: Khánh Linh |
Doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”
Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc, các đề xuất tăng giá lần này nếu được thông qua sẽ khiến doanh thu của ACV năm 2017 tăng hơn 1.300 tỷ đồng.
Phản ứng lại đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không, Phó tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương nói: “Tăng doanh thu của DN quản lý cảng tức là tăng chi cho DN hàng không. Nếu mức giá này được áp, năm 2017 chúng tôi dự kiến sẽ phải tăng chi 200 tỷ đồng. Với tốc độ phát triển của Vietjet hiện nay, bình quân mỗi năm tăng 30%, giai đoạn từ 2017-2020, Vietjet sẽ tăng chi tới gần 1.000 tỷ đồng, một con số quá lớn, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của DN”, ông Phương nói.
Ngoài ra, theo ông Phương, đợt này còn tăng rất mạnh giá dịch vụ phục vụ hành khách, dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, hành lý, bảo đảm an ninh hàng hóa… Như thế, không chỉ DN bị ảnh hưởng mà hành khách cũng bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay chắc chắn sẽ tăng.
Đồng quan điểm, đại diện Vietnam Airlines cho biết, đặc thù của ngành Hàng không là nguồn thu của đơn vị này sẽ là chi phí của đơn vị khác. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không là thấp nhất. Do vậy, việc định giá dịch vụ cần dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích của các DN và hành khách, tạo điều kiện và hỗ trợ các hãng hàng không nội địa phát triển, tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.
“Thực tế, giá dịch vụ hạ, cất cánh đã liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2011, tăng giá hạ, cất cánh tại các CHK nhóm A làm tăng chi phí của VNA lên 28 tỷ đồng. Năm 2014, tăng giá hạ, cất cánh chuyến quốc tế tại các CHK nhóm A làm tăng chi của VNA lên 13 tỷ đồng”, đại diện Vietnam Airlines lấy ví dụ.
Phía Jetstar, Phó tổng giám đốc Tạ Hữu Thanh bổ sung: “Việc tăng giá lần này có song hành với tăng chất lượng dịch vụ? “Tại CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài, mấy năm nay sản lượng tăng rất nhiều nhưng đầu tư không được bao nhiêu. Vậy giá dịch vụ đáng lẽ nếu không giảm được, ít ra phải giữ nguyên, sao lại tăng?”, ông Thanh đặt câu hỏi.
Trước những bức xúc của DN vận tải hàng không, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, đợt điều chỉnh giá lần này được thực hiện theo hướng tăng những dịch vụ trước đây còn bao cấp, đồng thời có tính đến việc dần đưa giá tiếp cận giá thị trường dựa trên cơ sở giá thành, Nhà nước điều tiết bằng công cụ giá.
“Cũng cần thấy rằng, hãng hàng không là những DN chịu tác động của đợt tăng chi phí lần này đang khó khăn, nếu tăng đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Do đó, chúng tôi sẽ cân nhắc để đề xuất lộ trình phù hợp”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Về vấn đề này, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng khuyến cáo cần phải hiệp thương với người chịu chi phí, đảm bảo tính đúng, tính đủ nhưng không tăng sốc.