“Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng”, PGS. TS. Lê Văn Trường, Viện trưởng Tim mạch, nói bên lề hội thảo Kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng, ngày 22/12. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện tăng huyết áp khi đã có một số biến chứng như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, nguy hiểm tính mạng.
PGS. Trường cho biết bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Bệnh chủ yếu liên quan đến đời sống xã hội và môi trường. Các yếu tố như thức ăn, đồ uống, không khí, hóa chất độc hại gây bệnh lý chuyển hóa (đường, mỡ, protein), hậu quả là xơ vữa động mạch, hẹp lòng mạch, tăng huyết áp,...
Theo thống kê của Viện Tim mạch, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch gấp 3 lần, so với người không mắc bệnh.
Các bác sĩ viện 108 can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo các bác sĩ, đa số người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng cho đến khi đo huyết áp thấy tăng. Khi huyết áp tăng quá cao, động mạch phải co giãn quá mức, gây ra những vết rách vi thể. Theo thời gian, những vết rách này biến thành mô sẹo, làm xơ cứng và giảm độ đàn hồi của động mạch. Mô sẹo này giữ lại tế bào máu và cholesterol lưu thông ngang qua, tạo nên các cục máu đông. Các cơ quan đích mà tăng huyết áp gây tổn thương bao gồm tim, não, mắt, thận và mạch máu.
Người trưởng thành được coi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính. Ở mức độ nhất định, mạch máu có khả năng hồi phục như ban đầu. Khi huyết áp tăng cao vượt ngưỡng, còn gọi là cơn tăng huyết áp khẩn cấp, gây ra những tổn thương vô cùng nặng nề cho người bệnh. Các biến chứng có thể gặp như tai biến mạch máu, tổn thương tim cấp tính...
Vì thế, các bác sĩ khuyên mỗi người cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến cố tim mạch.
Để phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh, hạn chế dầu mỡ. Khi có chỉ định của thầy thuốc, người bệnh cần uống thuốc đều, lâu dài cả khi không có triệu chứng và huyết áp ở mức bình thường.
PGS. Trường nhìn nhận ngành tim mạch của Việt Nam những năm qua đã phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Như khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện 108, có thể triển khai ba chuyên ngành can thiệp chuyên sâu gồm: can thiệp mạch vành tim, van tim, tim bẩm sinh và động mạch chủ; can thiệp mạch máu não trong ngoài sọ và cấp cứu đột quỵ; can thiệp mạch nội tạng ổ bụng.
Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, cho biết những năm qua bệnh viện đầu tư phát triển các kỹ thuật chuyên ngành tim mạch đang được triển khai trong nước và quốc tế. Bệnh viện đã nhận Chứng nhận Bạch kim do Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn. Đây là giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ Thế giới, đánh giá chất lượng điều trị của một hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não tại bệnh viện.