Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. |
Toàn cảnh điểm cầu tại trụ sở Chính phủ. Ảnh TTXVN
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, nghành chỉ đạo quyết liệt.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ ngày 7/2 đến nay, tổng số học sinh học trực tiếp trên toàn quốc là 21.001.019/22.409.817 em (93,71%). Trong đó, khối mầm non có 54/63 tỉnh/thành phố tổ chức đưa trẻ tới trường (85,71%); khối tiểu học 59/63 tỉnh/thành phố, tỉ lệ 93,65%; khối THCS 62/63 tỉnh/thành phố, 94,41%; khối THPT tại tất cả các tỉnh/thành phố đều đưa học sinh trở lại trường học.
Qua kiểm tra tại một số tỉnh/thành cho thấy, việc đón học sinh trở lại trường còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả nên còn những băn khoăn. Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông.
Tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương do cha mẹ còn nhiều lo lắng. Bên cạnh đó, nhân lực y tế trường học còn yếu, phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch (theo dõi, thống kê, báo cáo…). Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kit xét nghiệm nhanh…) và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn. Quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.
Cùng với đó, đề nghị nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học; ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi, căng thẳng, dẫn đến chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú đề nghị chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh:TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc-xin trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường, chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đó, xây dựng kế hoạch triển khai chương trình y tế trường học trong các cơ sở mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025; tập trung cao cho việc rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học; xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ. Trong đó, chú trọng triển khai việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trước khi đón học sinh đến trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý ngành giáo dục và đào tạo tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.
Tại Hà Tĩnh, từ ngày 15/9/2021 đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai tổ chức dạy học trực tiếp. Để đảm bảo các điều kiện an toàn khi học sinh đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng các phương án tổ chức dạy học. Chủ động phối hợp với Sở Y tế ban hành kế hoạch liên ngành về việc tổ chức dạy học trong tình hình mới. Nhờ thế, chất lượng giáo dục cuối học kỳ I được giữ vững và duy trì. Đến nay, các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh đang thực hiện chương trình giữa học kỳ II. |