Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Tĩnh chỉ đạo các ngân hàng cung ứng đầy đủ cơ cấu mệnh giá, đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người dân trong dịp tết Mậu Tuất.
Thêm một năm nữa NHNN Việt Nam thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong dịp tết. Theo tính toán, việc này giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng trong năm nay, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng. Không chỉ vậy, chủ trương này còn góp phần tuyên truyền người dân sử dụng đồng tiền một cách văn minh, đúng mục đích.
Ông Trần Hữu Cần - Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh cho biết: “Đến nay, kho chi nhánh không còn tiền mới dưới 5.000 đồng, chi nhánh cũng quán triệt các ngân hàng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện, không đưa thêm tiền mới mệnh giá nhỏ vào thị trường, kể cả trong kho các ngân hàng còn hay không. Tuy nhiên, NHNN đáp ứng một lượng tiền mới nhất định (có mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên) cho dịp tết Nguyên đán, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân”.
Được biết, NHNN Chi nhánh tỉnh cũng đang chờ phân bổ của Trung ương lượng tiền dành cho tết Mậu Tuất, từ đó sẽ cân đối chuyển về các ngân hàng, thực hiện đúng cơ cấu, phục vụ đủ nhu cầu tiền mặt của người dân.
Trong khi đó, ngay cả các ngân hàng thương mại lẫn người dân không khỏi sốt sắng trước nhu cầu tiền mới, tiền lẻ vào thời điểm tết đến. Đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh bày tỏ lo lắng khi có đầu mối trả lương, BHXH lớn, nhu cầu đang tăng cao trong khi mọi kế hoạch vẫn phải chờ trung ương. Còn đại diện một ngân hàng thì cho hay: Tiền mới các mệnh giá trên 5.000 đồng trở lên cũng không dư giả như trước đây. Thường ngân hàng sẽ phải cân đối, đầu tiên là dành cho thanh toán, giao dịch, tiếp đó, phục vụ khách VIP như một dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Chị Trần Thị Hiền (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Các năm trước, tôi phải nhờ người quen đổi tiền mới để mừng tuổi, song mấy năm nay, số lượng rất hạn chế. Giỏi lắm chỉ đổi được 2-3 triệu đồng mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, còn tiền mệnh giá nhỏ hơn để đi lễ gần như không có”.
Mặc dù đến thời điểm này, ở các ngân hàng chưa được phân bổ tiền phục vụ tết nhưng “chợ đen” tuy không rầm rộ như trước cũng đã “nóng” lên. Dễ dàng để click vào một trang mạng xã hội, khách hàng đã nhận được lời chào mời chắc như “đinh đóng cột”: Đáp ứng đủ số lượng, tiền nguyên cọc, nguyên tệp, tất cả các mệnh giá, từ 1.000 - 5.000 đồng đến 10.000 - 100.000 đồng. Có những địa chỉ còn cụ thể phí đổi là 8%, thậm chí có những mệnh giá (càng nhỏ, phí càng cao) còn ở mức 20 - 30%.
Xuất phát từ phong tục, cứ tết đến, xuân về, một lượng tiền mới có mệnh giá nhỏ lại được dùng phục vụ đi chùa để cầu may, cầu lộc. Tiền lẻ “rải” từ tượng phật đến lối đi, thậm chí bị giẫm đạp lên, tạo thành hình ảnh không đẹp. Số tiền này, sau khi mùa lễ hội kết thúc lại quay trở về ngân hàng, điều này là không đúng với quy luật lưu thông tiền tệ. Hành vi buôn tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra “chợ đen” vi phạm Nghị định 96/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có thể bị xử phạt tối đa tới 40 triệu đồng.