Xem hệ thống THAAD đánh chặn mục tiêu THAAD là hệ thống đánh chặn tiên tiến có khả năng vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo đối phương. |
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc, 2 xe mang phóng của hệ thống THAAD đã được máy bay vận tải C-17 Globemaster chở đến căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc vào đêm 6/3. Việc triển khai THAAD được xúc tiến ngay sau khi Triều Tiên phóng loạt 4 quả tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục phản đối kịch liệt việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc. Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 7/3 tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết để duy trì lợi ích an ninh của chúng tôi”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả tiếp theo xảy ra liên quan đến việc triển khai THAAD. Ông Cảnh kêu gọi các nước liên quan ngăn chặn việc triển khai và “đừng đi xa hơn trên con đường sai lầm”.
Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt siêu thị Lotte tại nước này, đình chỉ các tour du lịch đến Hàn Quốc nhằm phản đối việc triển khai THAAD. Quan hệ ngoại giao Trung-Hàn đang ở thời điểm xấu chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.
THAAD là gì?
THAAD còn gọi là "Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối" do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Khẩu đội THAAD đầu tiên được triển khai hoạt động trong quân đội Mỹ vào năm 2008.
Đồ họa cơ chế đánh chặn của hệ thống THAAD. Đồ họa: Business Insider |
Theo Lockheed Martin, mỗi khẩu đội THAAD gồm 6 xe mang phóng với 8 đạn tên lửa/xe, 2 radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu AN/TPY-2, 2 trung tâm chiến thuật di động. Hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 200 km, tầm cao 150 km.
2 radar AN/TPY-2 kết nối với nhau thông qua một trung tâm chỉ huy. Radar đầu tiên sẽ đặt ở vị trí khá xa so với radar còn lại, radar này có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.
Xét về tính năng, THAAD không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nên hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Vậy tại sao việc triển khai hệ thống này lại khiến Trung Quốc nổi giận, quan hệ song phương trở nên căng thẳng chưa từng có?
Tầm trinh sát vào sâu bên trong Trung Quốc
Mấu chốt của vấn đề khiến quan hệ Trung-Hàn dậy sóng liên quan đến việc triển khai hệ thống THAAD nằm ở tầm trinh sát của hệ thống radar AN/TPY-2. Radar AN/TPY-2 thuộc loại radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) có khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao. Radar có tầm trinh sát khoảng 1.000 km, có thể mở rộng lên đến 4.000 km.
Radar AN/TPY-2 của hệ thống THAAD có tầm trinh sát vào sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh:MDA |
Như vậy, THAAD triển khai ở Hàn Quốc thì toàn bộ các căn cứ quân sự dọc theo Hoàng Hải và Đông Hải đều nằm trong tầm trinh sát của hệ thống radar này.
Nhà phân tích Sungtae Jacky Park, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, nhận xét: "Radar của hệ thống THAAD có thể “xoi mói” các hoạt động quân sự từ sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Mọi hoạt động triển khai lực lượng có thể bị Mỹ phát hiện từ sớm gây bất lợi cho nước này".
Về mặt lý thuyết, radar của hệ thống THAAD có thể giúp Mỹ tăng cường khả năng giám sát hoạt động của quân đội Trung Quốc, trong đó có lực lượng tên lửa chiến lược mà lâu nay Mỹ có rất ít thông tin.
Xu Guangyu, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, nhận xét: "Radar di động của hệ thống THAAD với tầm trinh sát tới 4.000 km, như vậy tất cả các cuộc diễn tập quân sự trên đất liền, trên không đều bị phơi bày, tần suất xuất kích, số lượng, vị trí sân bay cũng bị lộ".
Một số tướng lĩnh về hưu của Trung Quốc cảnh báo về khả năng hình thành liên minh phòng thủ tên lửa giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, tạo thế cô lập, làm suy giảm khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Khoảng cách từ Hàn Quốc đến Bắc Kinh khoảng 2.123 km. Đồ họa: Distancefromto.net |
“Sau khi hoàn tất việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, bước tiếp theo là kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản. Washington đang tìm cách hình thành một liên minh quân sự giữa 3 nước giống như một NATO mini”, đại tá về hưu Yue Gang, thuộc Bộ Tham mưu quân đội Trung Quốc, cảnh báo.
Cựu sĩ quan tham mưu nhận định, mục đích sâu xa của việc triển khai THAAD nhằm thay đổi cán cân an ninh chiến lược của Đông Á theo chiều hướng bất lợi cho Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của 2 nước.
Hệ thống Aegis BMD sử dụng tên lửa siêu hạng SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài bầu khí quyển. Nếu hệ thống THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, các mối đe dọa quân sự đằng sau việc triển khai THAAD lớn hơn nhiều so với năng lực đánh chặn của hệ thống này. Đó chính là lý do khiến quan hệ Trung-Hàn dậy sóng.