Ảnh hưởng tới vị thế của Đức
Bà Angela Merkel sẽ không ra tái tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo – CDU tại Đại hội đảng này vào tháng 12/2018, nhưng vẫn sẽ là Thủ tướng Đức cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Tức là trong thời gian trước mắt, bà Merkel vẫn là nhà lãnh đạo hàng đầu của Đức và của châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh hiện nay thì rất khó có thể khẳng định chắc chắn là bà Merkel có thể hoàn tất nhiệm kỳ của mình đến năm 2021 bởi sau những kết qủa tệ hại của đảng CDU cũng như hai đảng Xã hội Cơ đốc giáo - CSU và Dân chủ xã hội – SPD tại các kỳ bầu cử bang thì khả năng chính phủ liên minh tại Đức tan vỡ trong những tháng tới không phải là ít.
Điều này đã được chính Chủ tịch đảng SPD là Andrea Nahles tuyên bố, rằng SPD sẽ xem xét lại việc tham gia “Đại liên minh” trong thời gian tới. Và nếu xảy ra việc tan vỡ chính phủ liên minh thì khả năng bà Merkel phải ra đi trước khi hết nhiệm kỳ Thủ tướng Đức là rất lớn.
Vào ngày hôm qua (31/10), bà Merkel đã lên tiếng trấn an dư luận và chính trường Đức khi tuyên bố là việc bà quyết định không tái tranh cử chức Chủ tịch CDU và rút khỏi chính trường vào năm 2021 sẽ “không ảnh hưởng gì đến sức nặng đàm phán của nước Đức trên trường quốc tế”. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là một tuyên bố ngoại giao.
Bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức trong 13 năm liên tiếp và cũng chừng đó năm được coi là nhà lãnh đạo của cả Liên minh châu Âu, là nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Thậm chí sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ với nhiều quan điểm gây tranh cãi, nhiều học giả phương Tây đã xem bà Merkel là nhà lãnh đạo của thế giới tự do phương Tây. Uy tín cá nhân của bà Merkel trong hơn 1 thập kỷ qua là rất lớn và nhờ có năng lực của bà Merkel nên vị thế nước Đức cũng được củng cố rất nhiều.
Việc bà Merkel ra đi sẽ để lại một khoảng trống quyền lực lớn trên chính trường Đức khi hiện tại hầu như không có một nhân vật nào nổi bật, có đủ tầm vóc, uy tín cũng như kinh nghiệm như bà Merkel. Tất nhiên, Đức là cường quốc kinh tế thứ 4 thế giới, số 1 châu Âu nên sẽ không vì sự ra đi của một nhân vật mà bị suy yếu, nhưng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Thách thức đối với châu Âu
Đối với châu Âu, việc bà Merkel tuyên bố kế hoạch rút khỏi chính trường vào thời điểm này là điều gây bất lợi. Đây là thời điểm mà châu Âu đang cần thể hiện sự mạnh mẽ và đoàn kết nhất để giải quyết các hồ sơ gai góc như Brexit, khủng hoảng tị nạn, môi trường an ninh bị đe doạ, quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ bị sứt mẻ, tương lai của NATO bất ổn… Vì thế, sự việc liên quan đến bà Merkel khiến châu Âu suy yếu.
Từ nhiều thập kỷ qua, Đức là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu và về cơ bản thì bộ đôi Đức-Pháp giữ vai trò dẫn dắt châu Âu về chính trị và an ninh, nên khi bà Merkel đang dần rút lui khỏi vai trò quyền lực thì Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron không còn đối tác mạnh để thúc đẩy các ý tưởng cải tổ châu Âu. Vai trò của Đức cũng như cá nhân bà Merkel với EU là cực kỳ quan trọng. Từ cuối năm 2017, khi chính trường Đức lâm vào bế tắc thì hầu như các tham vọng cải tổ châu Âu đã bị lãng quên, một mình Pháp không thể tạo nên một động lực mới.
Vì tất cả những điều đó, những bất ổn liên quan đến chính trường Đức và cá nhân bà Angela Merkel hiện nay rõ ràng không phải là tin tốt lành với Liên minh châu Âu. Cũng giống như nước Đức, EU đang mất đi một người lãnh đạo có uy tín đã giữ vai trò lá cờ đầu của khối suốt hơn 1 thập kỷ. Tổng thống Pháp Macron dù nhiều tham vọng và đặc biệt nhiệt thành với việc xây dựng châu Âu nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong nước Pháp.
Trong khi đó thì các lãnh đạo theo xu hướng dân tuý, cực đoan lại đang nổi lên, như tại Italia, tại Áo hay tại Hungary. Đây thực sự là thời điểm có rất nhiều rủi ro cho Liên minh châu Âu, trong bối cảnh Brexit thì bế tắc nghiêm trọng còn cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu thì cũng chỉ còn hơn 6 tháng nữa là bắt đầu.