Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)
Báo The Nation của cho biết, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 29/8 cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đang đề nghị sự hợp tác với 6 quốc gia thông qua các kênh ngoại giao và rà sát các cửa khẩu xuất nhập cảnh ở biên giới Thái Lan để truy tìm bà Yingluck.
Ngoài ra, cảnh sát Thái Lan cũng đã liên hệ với Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) để đề nghị trợ giúp, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
Thủ tướng Prayut cho biết, phía Thái Lan không liên hệ với giới chức Anh, nơi mà bà Yingluck được cho là có ý định xin tị nạn chính trị. Điều này là bởi chính phủ Thái Lan cho rằng, bà Yingluck sẽ không đủ điều kiện để được cấp quyền tị nạn chính trị ở đây.
Gần một tuần kể từ khi bà Yingluck không trình diện tại phiên tòa luận tội sáng 25/8, đến nay tung tích của bà vẫn là một bí ẩn.
Tư lệnh quân đội Thái Lan Chalermchai Sitthisat cho rằng, bà Yingluck đã tính toán kế hoạch bỏ trốn rất kỹ với sự trợ giúp của anh trai, cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra. Ông cũng thừa nhận, việc bà Yingluck bỏ trốn cho thấy lỗ hổng lớn trong mạng lưới an ninh của Thái Lan.
Liên quan đến chiến dịch truy tìm bà Yingluck, cảnh sát trưởng Thái Lan Chakthip Chaijinda cho biết cảnh sát sẽ triệu tập để lấy lời khai của ít nhất 14 người được cho là đã gặp gỡ bà Yingluck tại một khách sạn ở Bangkok trước khi bỏ trốn.
Trước đó, cảnh sát đã thẩm vấn các vệ sĩ của bà Yingluck và cuộc thảo luận khá hữu ích cho việc tìm kiếm nữ cựu thủ tướng. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan từ chối tiết lộ nội dung các cuộc thảo luận này.
Chính quyền quân sự Thái Lan cũng phủ nhận mở đường cho bà Yingluck bỏ trốn. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut tuyên bố, bất cứ quan chức nào nếu bị phát hiện tiếp tay cho bà Yingluck đào tẩu sẽ bị khởi tố.