Sản phẩm sắt thép là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Tĩnh
Theo thông tin từ Sở Công thương, trên địa bàn Hà Tĩnh có gần 130 DN hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, chủ yếu là các ngành nghề chính như sắt thép, may mặc, dệt, thủy sản, chè, dăm gỗ… Kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh đầu năm đến nay đạt 103,5 triệu USD, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2017; trong đó xuất thép và phôi thép chiếm 87,5% kim ngạch xuất khẩu.
Đưa ra số liệu thống kê như vậy để thấy rằng, “chủ công” trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu của Hà Tĩnh vẫn là các DN FDI, còn DN nội tỉnh chỉ là một bộ phận lắp ghép nhỏ trong cơ cấu chung. Trong khi đó, DN có hoạt động xuất, nhập khẩu nội tỉnh phần lớn là DN mang tính thương mại (buôn đi, bán lại) chứ không có nhiều DN sản xuất, kinh doanh nên cơ hội “đạt chuẩn” để tiếp cận các hiệp định thương mại tự do với những yêu cầu khắt khe gần như không có.
Công ty CP May Hà Tĩnh và đa phần các công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các hiệp định thương mại tự do
Là DN hoạt động trong lĩnh vực may gia công xuất khẩu, nhưng việc chủ động tiếp cận Hiệp định CPTPP vừa mới được Quốc hội thông qua của Công ty CP May Hà Tĩnh vẫn chưa có. Theo lãnh đạo công ty, hiệp định này mang tầm vĩ mô, ảnh hưởng đến các tập đoàn, công ty lớn trong khi công ty chỉ có quy mô như “tổ dân phố” trong cộng đồng rộng lớn nên rất khó tiếp cận.
Trong khi đó, Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh lâu nay "kết duyên" với thị trường truyền thống khó tính Nhật Bản với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 95% mà không có nhu cầu mở rộng, “tấn công” vào các thị trường mới khác.
Giám đốc Công ty Kiều Đức Phúc chia sẻ: “Do điều kiện ở địa phương không chủ động được nguồn nguyên liệu thủy sản như các vùng phía Nam nên mặt hàng xuất khẩu ít, không phong phú. Do vậy, công ty vẫn tập trung ổn định thị trường, phấn đấu đáp ứng ngày càng cao yêu cầu về chất lượng sản phẩm, còn những tác động của Hiệp định CPTPP đến công ty thì đến nay vẫn gần như không có”.
Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh vẫn tập trung ổn định thị trường truyền thống Nhật Bản
Khảo sát nhanh một số DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Tĩnh, đa số đều cho rằng, CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do nói chung vẫn là vấn đề quá lớn, ở “tận đẩu tận đâu” nên DN chưa thể khai thác những chính sách đó, cũng như chưa có kế hoạch, chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia.
Phân tích khái quát về tình hình vươn ra “biển lớn” của DN Hà Tĩnh, Tổng thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh Hoàng Trung Thông cho biết: “Từ trước đến nay, việc tiếp cận, tận dụng những ưu thế các hiệp định thương mại tự do của DN Hà Tĩnh gần như không đáng kể. Nguyên nhân cơ bản là do quy mô DN nhỏ, sản phẩm chưa đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu của hiệp định, cũng như nhận thức của DN về vấn đề này chưa cao”.
Đồng tình với nguyên nhân nhận thức của cộng đồng DN về tiếp cận hiệp định thương mại tự do chưa cao, chị Trần Thị Nhật Tân – cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù cơ quan quản lý đã tổ chức các cuộc tập huấn, trang bị kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; phân tích chi tiết các cơ hội và thách thức của DN khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (Riêng Hiệp định CPTPP đã được lồng ghép trang bị từ cuối năm 2017) nhưng không được DN hưởng ứng. Thậm chí, nhiều DN cho rằng mình không liên quan, hiệp định thương mại là việc xa xôi mà không bao giờ hoặc rất lâu sau đó DN của mình mới tiếp cận được”.
Thế chủ động đón "sóng" các thị trường xuất khẩu được Công ty CP Chè Hà Tĩnh chú trọng bằng việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế RA
Dù bức tranh chung về việc tiếp cận các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP - hiệp định quan trọng nhất từ trước tới nay mà Việt Nam tham gia của cộng đồng DN Hà Tĩnh mang "gam màu trầm" nhưng vẫn có ít nhiều điểm sáng từ Công ty CP Chè Hà Tĩnh.
Theo đó, với phương châm hoạt động ổn định thị trường đã có và mở rộng thị trường mới, công ty đang nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Hiện nay, công ty đang xây dựng tiêu chuẩn quốc tế RA, hướng đến nâng cao chất lượng chè xuất khẩu. Dù quá trình xây dựng cần khá nhiều thời gian, nhưng đây là sự chủ động hội nhập cần có của DN trong điều kiện kinh tế “phẳng” như hiện nay.
Tiền thân CPTPP là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên. Đầu năm 2017, Mỹ rút khỏi TPP nên quy mô của Hiệp định bị giảm xuống, nhưng 11 thành viên vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP. Hiệp định CPTPP đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, đồng thời đưa ra cơ chế giải quyết các tranh chấp có tính ràng buộc, chặt chẽ hơn. Các nước tham gia hiệp định sẽ xóa bỏ gần như hoàn toàn thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân phủ luật pháp tại các nước sở tại. Đồng thời, đảm bảo sự quản lý của nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN, cũng như lợi ích mới cho người tiêu dùng các nước thành viên. |