Căn nhà đơn sơ của mẹ Lương tại xã Hà Linh, Hương Khê.
Trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), chúng tôi tìm về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Lương ở xã Hà Linh. Nghe mẹ trải lòng về những hy sinh, mất mát của chiến tranh và cả những nỗ lực vượt qua đau thương, góp công xây dựng và phát triển quê hương, chúng tôi càng biết ơn sự hy sinh của các mẹ, của biết bao người có công với cách mạng.
Mẹ Lương vẫn minh mẫn khi bước sang tuổi 100.
Căn nhà mẹ Lương nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn 8 của xã Hà Linh. Năm nay, mẹ Lương tròn 100 tuổi, dù mái tóc đã bạc trắng, đôi mắt nhăn nheo nhưng trí nhớ của mẹ còn rất minh mẫn, nhất là những ký ức về 2 con mình là liệt sỹ Hồ Sỹ Yên và liệt sỹ Hồ Sỹ Vinh.
Mẹ Lương hiện sống một mình, thờ phụng 2 con là liệt sỹ và chồng.
Mẹ Lương có 7 người con (4 trai, 3 gái), chồng mẹ là ông Hồ Sỹ Bình - nguyên là cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện Hương Khê. Những năm chiến tranh, chồng theo việc nước, một mình mẹ nuôi 3 con trâu, cày cuốc hơn 1 mẫu ruộng để nuôi 7 đứa con khôn lớn.
Anh Hồ Sỹ Yên sinh năm 1952 và tham gia quân ngũ năm 1971. Từ ngày nhập ngũ, tháng nào anh Yên cũng viết thư về cho mẹ. Nhưng đến cuối năm 1972, mẹ Lương không còn nhận được lá thư nào của anh nữa.
Hồi tưởng về quá khứ, mẹ kể: “Đột ngột mất tin tức của con trai, linh cảm điều không lành, đêm nào tôi cũng khóc. Nhưng tôi ép mình phải tin rằng, con trai đang làm nhiệm vụ, đang chiến đấu với kẻ thù, chỉ là do chiến tranh căng thẳng nên mất liên lạc”.
Mẹ Lương vẫn tự trồng rau,...
Sau khoảng 1 năm (đầu năm 1973) thì gia đình mẹ Lương hoàn toàn hết hy vọng khi nhận được giấy báo tử của đơn vị và biết anh Hồ Sỹ Yên đã hy sinh tại Mặt trận phía Nam Quân khu IV trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước. “Nhận tin, tôi tưởng như mình cũng đã chết đi” - mẹ nói.
Nén chặt những mất mát, mẹ Lương tiếp tục gượng dậy để chăm lo cho con cái. Đến năm 1978, khi tròn 18 tuổi, anh Hồ Sỹ Vinh nói với mẹ: “Con phải đi bộ đội, vài năm hết chiến tranh con sẽ về với mẹ”. Với quyết tâm sắt đá, anh Vinh lên đường nhập ngũ sau đó. Đầu năm 1979, anh Vinh anh dũng hy sinh tại mặt trận biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.
... và tự chăm sóc bản thân.
“Thêm một lần nữa, tôi phải nhận nỗi đau tột cùng. Lần này, tôi không còn sức để gắng gượng, gia đình, hàng xóm phải đưa đi cấp cứu mới sống lại” - mẹ Lương nhớ lại ngày nhận giấy báo tử báo tin anh Vinh đã hy sinh.
Ghi ơn công lao hy sinh của mẹ, năm 2014, mẹ Lương được Nhà nước trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ được Công an huyện Hương Khê nhận phụng dưỡng suốt đời. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, các cấp chính quyền, tổ chức xã hội thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, tri ân những hy sinh, cống hiến của mẹ.
Mẹ Lương thường xuyên đi thăm hàng xóm, láng giềng.
Hiện nay, mẹ Lương sống một mình, hàng ngày mẹ vẫn tự hái rau, nấu cơm, tự chăm sóc bản thân. Mẹ chia sẻ: “Mấy đứa con gái lấy chồng và ở gần đây cả, con trai thì làm ở thành phố Hà Tĩnh, cũng thường xuyên về thăm mẹ. Đứa thì mua quà ăn sáng, đứa mua thức ăn rồi nấu sẵn, hàng ngày tôi chỉ việc nấu cơm, nấu canh hoặc thích ăn gì thì nhờ hàng xóm mua giúp. Khi buồn thì đi dạo láng giềng cho khuây khỏa. Trong câu chuyện hàng ngày, tôi vẫn luôn căn dặn con cháu sống tốt, sống có ích cho xã hội, cho xứng với sự hy sinh của các chú, các anh. Còn tôi, hạnh phúc của tôi là mỗi ngày được nhìn thấy con cháu khôn lớn nên người và tiếp tục đóng góp cho quê hương. Mới đây, khi cán bộ địa phương vận động, tôi nhất trí chủ trương hiến khoảng 50 m2 đất vườn để mở rộng đường, chung tay với xã thực hiện giai đoạn cao điểm xây dựng nông thôn mới kịp về đích trong năm 2022".
Để ủng hộ xây dựng nông thôn mới, mẹ Lương hiến hơn 50 m2 đất vườn để mở rộng đường.
Rời nhà Mẹ Thái Thị Lương khi trời chiều đã muộn. Trong tâm trí tôi, dáng hình nhỏ nhắn, đôi mắt buồn vời vợi và câu chuyện về lẽ sống của Mẹ cứ theo suốt chặng đường dài.