Nhóm kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam bên vệ tinh NanoDragon Ảnh: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cung cấp
TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chia sẻ, NanoDragon (nặng khoảng 4 kg) là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020”. Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư của Việt Nam.
NanoDragon vừa được hoàn thiện và sắp được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm môi trường (giả lập môi trường phóng và môi trường vũ trụ). Sau khi thử nghiệm xong, vệ tinh sẽ được đưa trở lại Việt Nam để chờ phóng lên vũ trụ bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản. Trước đó, JAXA thông báo lựa chọn NanoDragon là một trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021, theo chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần 2 của Nhật Bản.
TS Huy cho biết, NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính là tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy, dùng để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển và sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo.
Song song với quá trình phát triển vệ tinh, nhóm kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng thiết kế, xây dựng và lắp đặt trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng lên vũ trụ.
Việc phát triển NanoDragon tại Việt Nam là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất. Trước đó, Việt Nam chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg), đội ngũ 36 cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư người Nhật cũng đã chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon (50kg). Vệ tinh này sau đó được Nhật Bản phóng miễn phí lên vũ trụ và hoạt động thành công trên quỹ đạo.