Thành phố Mỹ bước vào 66 ngày không thấy Mặt Trời

Tại Utqiagvik, thành phố ở cực Bắc của nước Mỹ nằm ở bang Alaska, Mặt Trời mọc lần cuối cùng trong năm 2020 hôm 18/11.

Thành phố Mỹ bước vào 66 ngày không thấy Mặt Trời

Utqiagvik vào sáng ngày 18/11 qua ảnh chụp từ camera. Ảnh: Đại học Alaska, Fairbanks.

Bóng tối kéo dài sẽ bao trùm thành phố trong “đêm vùng cực”, hiện tượng xuất hiện ở vòng cực Bắc và Nam mỗi mùa đông.

Do trục Trái Đất nằm nghiêng, các vùng ở Vòng cực Bắc có thể dịch chuyển xa khỏi Mặt Trời trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng liền giữa thu phân và xuân phân. Ngược lại, vào mùa hè, ánh nắng rực rỡ chiếu sáng suốt 24 giờ một ngày ở “vùng đất của Mặt Trời giữa đêm”.

Ở Bắc bán cầu, ngày trở nên ngắn hơn từ cuối tháng 6. Hiệu ứng này rõ rệt nhất ở phương bắc. Thời gian ban ngày rút ngắn nhanh nhất vào cuối tháng 9, và ngắn hết mức vào tháng 12 quanh ngày đông chí.

Hôm 1/11, ban ngày ở Utqiagvik kéo dài 5 giờ 42 phút, Mặt Trời mọc lúc 10h18’ sáng và lặn vào khoảng 4h chiều.

Hôm 18/11, Mặt Trời chỉ xuất hiện trong 34 phút, chiếu sáng giữa trưa rồi lặn lúc 1h29’. Mặt Trời không nhô lên phía trên đường chân trời vào chiều hôm 18/11, nhưng ánh sáng mờ của đĩa Mặt Trời vẫn nằm trong tầm nhìn. Từ giờ đến hết tháng, Utqiagvik sẽ chỉ có bóng tối nhập nhoạng do Mặt Trời mọc lên vài độ bên dưới đường chân trời.

Tuy nhiên, sau đó, Mặt Trời sẽ “biến mất” tới cuối tháng 1/2021. Vào ngày đông chí hôm 21/12, Mặt Trời vẫn nằm ở 4,7 độ bên dưới đường chân trời vào buổi trưa và chỉ xuất hiện trở lại hôm 23/1.

Hai tháng chìm trong bóng tối có vẻ dài, đặc biệt ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình tháng 12 không bao giờ vượt quá 0 độ C.

Trước đó, Utqiagvik được chiếu sáng liên tục từ ngày 11/5 đến ngày 18/8. Ở cực Bắc và cực Nam, Mặt Trời chỉ mọc và lặn một lần mỗi năm. Mặt Trời mọc vào xuân phân và lặn vào thu phân. Ở Bắc Cực, thời gian chiếu sáng liên tục kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9.

Trong suốt mùa thu và mùa đông, bóng tối kéo dài 6 tháng, chỉ có ánh sáng phát ra từ những ngôi sao, Mặt Trăng và cực quang. Utqiagvik có số giờ Mặt Trời chiếu sáng tương đương Miami, Sydney và Moskva.

Theo An Khang/VnExpress/Washington Post

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.