Kết quả bảng xếp hạng dựa trên một số yếu tố gồm giá trung bình các mặt hàng thiết yếu trong gia đình như dầu ăn, sữa, tiền thuê nhà, giá vé các phương tiện công cộng và sức mạnh đồng nội tệ. Đánh giá này còn tập trung vào các lao động nước ngoài và người nước ngoài sống tại thành phố.
Trong 3 năm liên tiếp, Hong Kong trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới (Ảnh: News).
Cụ thể, người dân Hong Kong phải trả 5,21 USD (hơn 120 nghìn đồng) cho một tách cafe; 3,04 USD cho mỗi lít xăng (70 nghìn đồng); một kg cà chua có giá lên đến 11,51 USD (270 nghìn đồng). Đây cũng là nơi có giá dầu ăn đắt đỏ nhất thế giới, với 5,83 USD mỗi lít (135 nghìn đồng).
Tại sao Hong Kong là nơi đắt đỏ nhất thế giới
Lee Quane, Giám đốc Khu vực Châu Á tại ECA, cho biết: “Dù Hong Kong đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu gia tăng ít hơn so với các địa điểm khác trong khu vực trong năm qua, nhưng nó vẫn là nơi đắt đỏ nhất thế giới”.
Năm 2022, các đô thị ở châu Á được coi là “thống trị” danh sách Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới. 4 thành phố khác cũng lọt top bao gồm Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc).
Nhiều thành phố ở Trung Quốc đại lục trở nên đắt đỏ hơn so với trước kia. 4 thành phố lớn tại quốc gia này nằm trong danh sách 15 thành phố đắt nhất toàn cầu. Thượng Hải là thành phố đắt đỏ thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Hong Kong và Tokyo.
Một trạm đổ xăng ở Hong Kong (Ảnh: News).
“Lý do chính giúp các thành phố ở Trung Quốc đại lục thăng hạng là do đồng nhân dân tệ tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác”, ông Lee Quane nhận định.
Thành phố có chi phí sống tăng nhanh nhất trong danh sách này là Colombo ở Sri Lanka, nhảy 23 bậc từ vị trí 162 lên 149. Nguyên nhân do thành phố này có tốc độ tăng giá nhanh nhất trong 12 tháng qua.
Trong bảng xếp hạng này, thành phố có chi phí đắt đỏ nhất châu Âu là Geneva (Thụy Sĩ) đứng ở vị trí thứ 3. Paris (Pháp) từng đứng đầu danh sách do ECA bình chọn, nay rơi khỏi Top 30. Các thành phố châu Âu khác như Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italy) và Brussels (Bỉ) đều rớt hạng.
Ngoài ECA, một tổ chức khác là Economist Intelligence Unit (EIU) đã công bố chỉ số chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới vào tháng 12 hàng năm. Năm 2021, thành phố Tel Aviv của Israel ở vị trí đầu bảng, tiếp theo đó là Paris và Singapore ở vị trí thứ 2 và thứ 3.