Nước thải đổ ra môi trường rất độc hại, đặc quánh, bốc mùi hôi thối. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)
Dự kiến sẽ bắt đầu triển khai các đoàn thanh tra vào đầu tháng Tám tới. Đợt thanh tra toàn diện lần này nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính Nhà nước; các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định, xét duyệt và thực hiện dự án đầu tư; đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại bảo đảm để doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật gắn liền với phát triển bền vững.
Qua các đợt thanh tra, kiểm tra sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, đổi mới một cách mạnh mẽ công tác thanh tra về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, tạo bước đột phá trong hoạt động thanh tra, để hoạt động thanh tra trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.
Đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường (tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Đối tượng thanh tra cụ thể sẽ được nêu tại Quyết định thành lập đoàn thanh tra; trong quá trình thanh tra có thể bổ sung các đối tượng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Phạm vi thanh tra được tiến hành trên địa bàn toàn quốc, thời kỳ thanh tra sẽ từ ngày có quyết định thành lập các tổ chức sản xuất, kinh doanh đến thời điểm thanh tra; và thời hạn thực hiện cuộc thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan chuyên môn có liên quan và của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ động lồng ghép nội dung thanh tra đối với đối tượng là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày đêm trở lên.
Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2016), để đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra của Sở trong năm 2017. Các đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Bộ chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thanh tra để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.
Dự kiến cuối tháng 10 tới sẽ hoàn thành tổng hợp báo cáo kết luận thanh tra; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra.