Ngày 20/2, Ukraine kỷ niệm tròn 1 năm sự kiện Maidan, trung tâm Kiev (Ảnh Getty) |
1. Ngày 20/2 cách đây một năm, đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng an ninh và phe biểu tình chống chính phủ ở quảng trường Maidan, Kiev, Ukraine khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Phe biểu tình đổ lỗi về tình trạng chết người này cho các tay súng bắn tỉa của chính phủ Ukraine (khi ấy dưới quyền của Tổng thống Yanukovych), còn Tổng thống Yanukovych quy cho người biểu tình lỗi kích động bạo lực.
Ông Yanukovych đã trốn khỏi Ukraine và chính quyền của ông này sụp đổ. Theo sau đó là sự kiện Nga sáp nhập Crimea, và xung đột bạo lực ở miền đông Ukraine tiếp diễn cho đến nay đã khiến khoảng 5.700 người thiệt mạng.
Một người dân tìm những vật dụng sót lại tại trại tỵ nạn ở Debaltseve, Ukraine (Ảnh EFE) |
2. Ngày 12/2, Bộ Tứ Normandy đã đạt được Thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk (Belarrus), hay còn gọi là Thỏa thuận Minsk 2. Theo đó các bên liên quan phải tuân thủ Lệnh ngừng bắn từ 0h ngày 15/2 và thực hiện các bước theo Thỏa thuận.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Thỏa thuận Minsk 2 trở nên hết sức mong manh, khi các bên giao tranh vẫn tiếp tục nổ súng ở miền Đông Ukraine. Các bên liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Chiến sự ác liệt khiến thêm hàng chục người thiệt mạng, thị trấn chiến lược Debaltseve thực sự biến thành một khu vực đổ nát.
Chính phủ của Tổng thống Poroshenko đã để ngỏ khả năng cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong cuộc phỏng vấn đài phát thanh CBC của Canada ngày hôm qua, 21.2, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Vadym Prystaiko cho biết Kiev đã sẵn sàng cho chiến tranh toàn diện. Đồng thời, Ukraine cũng để ngỏ khả năng kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội nước này.
Nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm (Ảnh AFP) |
3. Ngày 21/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine tiếp tục đổ bể.
Trước đó, Ukraine đã cáo buộc Nga đưa xe tăng và quân đội tới miền Đông nước này. Phía Nga chưa có phản ứng nào trước cáo buộc này, song Nga lâu nay vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc về sự hiện diện của quân đội nước này tại miền Đông Ukraine.
Các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và giá dầu giảm đã khiến kinh tế Nga hao hụt khoảng 200 tỷ USD. Những khó khăn của nền kinh tế đang buộc các nhà lãnh đạo Nga phải tìm ra hướng đi mới. Các nhà phân tích dự đoán, năm 2015 sẽ là một bước ngoặt của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tham dự một cuộc họp nội các trong Quốc hội Hy Lạp tại Athens (Ảnh AFP) |
4. Ngày 21/2, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gia hạn thêm 4 tháng đối với gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, chấm dứt nhiều tuần lễ căng thẳng giữa 2 bên.
Nếu thực hiện đúng các cam kết, Athens sẽ được nhận nốt 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ 240 tỷ euro của EU.
Trước đó, cuộc họp giữa nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Hy Lạp đã kết thúc ngày 16/2 tại Bỉ nhưng không đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình cứu trợ Hy Lạp sau khi Hy Lạp bác bỏ dự thảo do Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đề xuất.
Thủ tướng Tsipras muốn có thêm thời gian để triển khai kế hoạch cải cách riêng của minh. Ngược lại, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu cho rằng Hy Lạp không thể đơn phương vượt qua chương trình cứu trợ sẽ hết hạn vào ngày 28/2 này và chỉ đồng ý gia hạn gói cứu trợ nếu Hy Lạp tiếp tục thực hiện chính sách khắc khổ.
Lực lượng liên quân chuẩn bị các hoạt động chiếm lại thành phố Mosul từ tay IS (Ảnh Wochit) |
5. Một quan chức của Bộ chỉ huy trung ương Mỹ hôm 19/2 đã tiết lộ kế hoạch phát động chiến dịch phản công tái chiếm Mosul trong tháng 4 hoặc tháng 5 tới đây. Thành phố Mosul có khoảng hơn 1 triệu dân và đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng chiếm từ tháng 6 năm ngoái.
Ước tính, có khoảng 2.000 phiến quân IS đang kiểm soát Mosul, nơi vốn được xem là một trong những thành trì vững chắc. Vì vậy, Mỹ xem việc giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược này là mấu chốt trong cuộc chiến nhằm đánh bại nhóm cực đoan IS ở Iraq.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck có thể phải đối mặt với án 10 năm tù (Ảnh AP) |
6. Ngày 19/2, Văn phòng Tổng Công tố Thái Lan chính thức buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck gây tổn thất cho chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ.
Cáo trạng truy tố do Tổng chưởng lý trình lên tòa thượng thẩm vào ngày 19/2 dựa trên bộ luật hình sự với cáo buộc làm trái quy định nhà nước trong nhiệm vụ điều hành đất nước và dựa trên luật phòng chống tham nhũng với cáo buộc thiếu trách nhiệm trong quản lý làm nảy sinh các vụ tham nhũng trong chương trình thu mua và trợ giá gạo cho nông dân.
Nếu bị kết án, bà Yingluck đứng trước án tù tối đa 10 năm và án phạt hơn 6.000 USD.
Tết Nguyên đán (theo Âm lịch) được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới (Ảnh Reuters) |
7. Ngày 19/2/2015, nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm Tết Nguyên đán theo lịch Mặt Trăng (Âm lịch). Năm nay được gọi theo phong tục Á Đông là năm con Dê hoặc con Cừu (tùy theo từng dân tộc).
Tại Sydney, Australia, những người châu Á tổ chức múa lân, múa rồng. Tại New York có bắn pháo hoa trên sông Hudson. Trung Quốc, Việt Nam tổ chức đón Tết tưng bừng với các lời chúc Năm mới thịnh vượng.