Các biến thể phụ nguy hiểm
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc Covid-19 toàn cầu tăng 30% trong 2 tuần trở lại đây. Hai dòng phụ của biến chủng Omicron, gồm BA.4 và BA.5, là nguyên nhân chính gây ra làn sóng bùng phát mới ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Một số quốc gia ở châu Á cũng đã ghi nhận những ca Covid-19 phơi nhiễm với các biến chủng mới này. Bên cạnh đó, WHO đang theo dõi sự lây lan của một dòng phụ khác là BA2.75 được phát hiện tại Ấn Độ.
Dòng người đổ về các địa điểm du lịch nổi tiếng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh (Ảnh: Reuters).
Theo ông Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, thời điểm mùa hè và việc người dân di chuyển nhiều hơn để du lịch và tham gia các hoạt động tập trung đông người là một môi trường hoàn hảo để dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
BA.4 và BA.5 là biến thể phụ của Omicron, biến chủng có khả năng lây lan mạnh hơn nhiều so với các chủng trước đây của virus SARS-Cov-2 gây đại dịch Covid-19. Hai biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi hồi đầu năm nay và gây ra một làn sóng Covid-19 lây lan nhanh ở đây.
Tại Mỹ, các biến chủng này được tìm thấy ở cả những người đã từng nhiễm bệnh và những người đã tiêm đủ các mũi vaccine tăng cường. Điều này gây ra lo ngại về việc biến chủng này có thể “lẩn tránh” các kháng thể trong cơ thể người.
Tại Trung Quốc, từ ngày 2-4/7, thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây đã ghi nhận tổng cộng 18 ca nhiễm biến chủng Omicron BA.5.2. Điều này buộc chính quyền thành phố 13 triệu dân này phải ban hành lệnh giãn cách xã hội trong thời gian một tuần.
Các thách thức của biến thể mới của Covid-19
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thế giới đang đứng trước 4 thách thức cần được giải quyết nếu không muốn chứng kiến một làn sóng Covid-19 bùng phát dữ dội trong thời gian tới.
Nhân viên y tế tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em tại Mỹ (Ảnh: Reuters).
Đầu tiên, tỷ lệ xét nghiệm đã sụt giảm đáng kể tại nhiều quốc gia. Vấn đề này sẽ khiến các chính phủ không có cái nhìn tổng thể về tình hình dịch bệnh tại đất nước mình và qua đó không thể đưa ra các biện pháp hợp lý và kịp thời để ngăn ngừa dịch bùng phát, cũng như làm giảm thiểu các ca bệnh nặng dẫn đến tử vong.
Tiếp đó, các phương pháp điều trị mới chẳng hạn thuốc kháng virus chưa được phân phối đến tay người dân, đặc biệt là tại các nước kém phát triển.
Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi vaccine tăng cường, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh giảm trong thời gian qua cũng khiến một số nước lơ là trong việc tiêm chủng vaccine tằng cường.
Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc các hội chứng hậu Covid kéo dài tăng lên, tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế và tình hình kinh tế, xã hội nói chung.
Khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định những thách thức mới của dịch bệnh đòi hỏi một sự phối hợp hành động ở cấp độ toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).
Hai khuyến nghị đã được ông Tedros đưa ra. Thứ nhất, các quốc gia cần phải khẩn trương đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tăng cường cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, bao gồm lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính và bị suy giảm miễn dịch. Tiếp theo, các nước cần cung cấp đủ thuốc kháng virus và các phương pháp điều trị khác cho tất cả người dân.
Tổng Giám đốc WHO cũng hối thúc các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới, trong đó có Pfizer, hợp tác chặt chẽ với giới chức y tế các nước để đảm bảo việc cung cấp thuốc kháng virus được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới đồng thời kêu gọi người dân tại các vùng dịch tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch, trong đó có đeo khẩu trang, đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà, tự cách ly khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, và tiêm chủng đầy đủ.