Anh chọn rời EU, Thủ tướng Cameron từ chức: Kết quả kiểm phiếu từ tất cả 382 điểm bỏ phiếu trên khắp nước Anh đã ghi danh người chiến thắng là phe ủng hộ Brexit (Anh rời EU) với sự tán thành của 17,4 triệu cử tri, chiếm 51,9%, cao hơn so với tỷ lệ 48,1% đến từ 16,1 triệu cử tri muốn Anh tiếp tục ở lại. Sau khi kết quả này được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10. Trong bài phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 phố Downing, ông Cameron nhấn mạnh: “Người dân Anh đã bỏ phiếu cho việc rời khỏi EU và quyết định này phải được tôn trọng. Ý chí của người dân Anh chính là mệnh lệnh mà Chính phủ phải thực hiện. Không ai có quyền nghi ngờ gì về kết quả bỏ phiếu lần này. Tôi rất tự hào được đảm nhiệm vị trí Thủ tướng trong 6 năm qua và không có gì phải hối hận cả. Người dân Anh đã đưa ra một quyết định rất rõ ràng và tôi cho rằng, đất nước này cần một nhà lãnh đạo mới. Theo quan điểm của mình, tôi nghĩ rằng chúng ta cần một tân Thủ tướng ngay khi Đại hội Đảng Bảo thủ diễn ra vào tháng 10 tới”. (Ảnh: Thủ tướng Anh David Cameron thông báo từ chức ngày 24/6. Nguồn: Reuters)
Colombia và phiến quân FARC ký thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng: Chiều 23/6 tại thủ đô La Habana, đại diện chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã chính thức ký kết Thỏa thuận ngừng bắn song phương và vĩnh viễn. Thỏa thuận này được đánh giá là có tính lịch sử vì đã góp phần kết thúc cuộc nội chiến lâu nhất tại Mỹ Latin khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng kể từ những năm 1960. Lễ ký được tổ chức dưới sự chủ trì của đại diện cao cấp nhất hai bên là Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez. Tham dự buổi lễ còn có Chủ tịch Cuba Raul Castro, nước đồng bảo trợ hòa đàm, và người đứng đầu nhiều quốc gia Mỹ Latin khác. Theo thỏa thuận, cả quân đội chính phủ Colombia và lực lượng FARC sẽ tuân thủ “một lệnh ngừng bắn song phương, chấm dứt chiến sự và buông bỏ vũ khí”. Phía FARC cũng đồng ý sẽ giải giáp vũ khí sau thỏa thuận hòa bình giữa hai bên được ký trong vài tuần tới. Liên Hiệp Quốc sẽ chịu trách nhiệm giải giáp vũ trang FARC trong vòng 6 tháng kể từ ngày thỏa thuận hòa bình có hiệu lực. (Ảnh: Đại diện Chính phủ Colombia và FARC bắt tay trước sự chứng kiến của Chủ tịch Cuba Raul Castro. Nguồn: Reuters)
Lốc xoáy ở Trung Quốc khiến ít nhất 100 người chết và hơn 800 người bị thương.: Một cơn lốc xoáy cực mạnh với sức gió lên đến 125km/h đã tiến vào tỉnh Giang Tô, Trung Quốc khiến ít nhất 100 người chết và hơn 800 người bị thương. Hiện công tác cứu hộ và cứu trợ người dân bị lốc xoáy vẫn đang được tiếp tục. Hơn 1.300 cảnh sát đã được huy động để giúp người dân, trong khi lều bạt và các vật dụng khẩn cấp khác đã được gửi đến các khu vực bị ảnh hưởng. Theo Tân Hoa xã, đây là trận lốc xoáy tồi tệ nhất Trung Quốc trong vòng 50 năm qua. Rất nhiều người dân địa phương cho biết, họ đã trở tay không kịp khi có tin lốc xoáy đổ bộ vào tỉnh. Nhiều nhân chứng sau khi trải qua giây phút kinh hoàng cho biết, họ có cảm tưởng như “ngày tận thế” đã đến.
Tòa tối cao Mỹ ngặn chặn chính sách nhập cư của Tổng thống Obama: Với kết quả 4 phiếu thuận và 4 phiếu chống tại tòa án tối cao Mỹ ngày 23/6, chính sách có lợi cho người nhập cư của ông Obama sẽ tiếp tục bị trì hoãn trên toàn nước Mỹ. Bản kế hoạch mà Tổng thống Obama vạch ra giúp khoảng 4,4 triệu người (hầu hết là người Mỹ La-tinh) sống bất hợp pháp tại Mỹ từ năm 2010 không bị trục xuất và được tạo công ăn việc làm. Với điều kiện những người này không có tiền án, tiền sự và có con cái là công dân Mỹ hoặc định cư hợp pháp tại Mỹ. Từ Nhà Trắng, đương kim Tổng thổng Obama đã không giấu được sự thất vọng trước kết quả trên. Theo CNN, với kết quả này, chính sách của ông Obama sẽ buộc phải đưa về biểu quyết tại các tòa án cấp thấp hơn. Và rất khó để chính sách này có thể có hiệu lực từ đây đến hết nhiệm kỳ của ông Obama vào đầu năm 2017. (Ảnh: Tổng thống Obama thất vọng với phán quyết của Tòa án tối cao. Nguồn: AP)
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đàm phán gia nhập EU: Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở chương mới trong đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào đúng ngày 30/6, thời điểm EU cam kết áp dụng miễn thị thực đi lại trong khối Schengen cho công dân nước này. Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 23/6 cho biết ông sẽ cùng Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Omer Celik và Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag tới Brussels (Bỉ) trong thời gian trên để tiến hành cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans nhằm thảo luận về vấn đề này. Các cuộc thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU được tiến hành từ năm 2005, sau đó bị đình trệ. Hồi tháng Ba vừa qua, hoạt động này đã được nối lại tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó hai bên đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm hạn chế dòng người di cư đổ vào "Lục địa già". (Ảnh: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Ankara. Nguồn: AFP/TTXVN)