Bộ trưởng Liam Fox. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Anh muốn tham gia thỏa thuận CPTPP sau khi rời Liên minh châu Âu: Ngày 31/10, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox đã hoan nghênh việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 thành viên sau khi Mỹ rút lui, sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12 tới.
CPTPP, với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/12, sau khi Australia ngày 31/10 chính thức thông báo đã phê chuẩn hiệp định này, trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn hiệp định.
Mặc dù chưa phải là một thành viên CPTPP, nhưng Anh vẫn bày tỏ ý muốn tham gia thỏa thuận này sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Bộ trưởng Fox cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã ủng hộ Anh gia nhập CPTPP.
Một máy bay của hãng hàng không Lion Air. (Ảnh: AFP)
Indonesia đình chỉ giám đốc Lion Air vì vụ rơi máy bay chở 189 người: Hãng thông tấn Antara ngày 31/10 đưa tin, Bộ trưởng Giao thông Indonesia vừa quyết định đình chỉ Giám đốc kỹ thuật của Lion Air và một số kỹ sư của hãng này sau vụ máy bay mang số hiệu JT 610 chở 189 người rơi ngoài khơi Jakarta hôm 29/10.
Lệnh đình chỉ sẽ được gỡ bỏ nếu các cá nhân kể trên không có sai phạm dẫn tới vụ tai nạn. Mặt khác, nếu cuộc điều tra phát hiện lỗi thuộc về Lion Air, họ chắc chắn phải chịu các hình phạt từ chính quyền.
Hải quân Indonesia sáng cùng ngày cho hay lực lượng cứu hộ đã phát hiện một vật thể dài 22 mét, ở độ sâu 32 mét, được tin là xác của chiếc Boeing737 Max 8.
Một trực thăng trong biên chế quân đội Afghanistan. (Ảnh: Sputnik)
Trực thăng quân sự Afghanistan rơi, 25 người thiệt mạng: Một trực thăng quân sự ngày 31/10 gặp nạn ở tỉnh Farah, phía Tây Afghanistan, khiến toàn bộ 25 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Trong số nạn nhân tử vong có một chỉ huy quân đội cấp cao tại khu vực miền Tây Afghanistan cùng chủ tịch hội đồng tỉnh Farah, Reuters đưa tin.
"Tai nạn xảy ra lúc 9h10 (11h40 giờ Hà Nội), chiếc trực thăng mất kiểm soát và lao xuống đất không lâu sau khi cất cánh. Nó là một trong hai phi cơ đang bay từ vùng núi tỉnh Farah tới tỉnh Herat lân cận", phát ngôn viên thống đốc tỉnh Farah Naser Mehdi cho biết.
Giới chức Afghanistan cho biết trực thăng rơi do thời tiết xấu, trong khi phiến quân Taliban tuyên bố các tay súng nhóm này đã bắn hạ máy bay.
Thiết bị của GE Aviation, một trong những công ty sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới, được trưng bày tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Mỹ truy tố 10 người Trung Quốc âm mưu đánh cắp công nghệ hàng không: Những người bị truy tố bao gồm hai quan chức tình báo, 6 tin tặc và hai nhân viên làm việc cho một công ty Pháp, với cáo buộc lên kế hoạch trong vòng 5 năm nhằm đánh cắp công nghệ từ các công ty hàng không vũ trụ Mỹ và Pháp bằng cách xâm nhập hệ thống máy tính, AFP ngày 31/10 đưa tin.
"Tại thời điểm các máy tính bị xâm nhập, một công ty hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc đang phát triển loại động cơ tương tự để phục vụ máy bay thương mại sản xuất tại Trung Quốc và những nơi khác", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Việc Mỹ truy tố 10 người Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh xung quanh vấn đề địa chính trị, thương mại và gián điệp.
Tượng anh hùng Sardar ở bang Gujarat. (Ảnh: Reuters)
Ấn Độ khánh thành bức tượng lớn nhất thế giới, cao gấp đôi tượng Nữ thần Tự do: Ấn Độ đã triển khai hàng nghìn cảnh sát đảm bảo an ninh cho lễ khánh thành bức tượng lớn nhất thế giới hôm 31/10 tại quận Narmada, bang Gujarat.
Bức tượng có tên là Thống nhất, khắc họa chân dung vị anh hùng dân tộc Sardar Vallabhbhai Pate, người đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến giành độc lập thống nhất đất nước Ấn Độ.
Với chiều cao 182m, bức tượng Sardar Vallabhbhai Patel cao gấp đôi so với Tượng Nữ thần Tự do tại New York, Mỹ và vượt tượng Trung Nguyên Đại Phật tại Hà Nam, Trung Quốc (128m) để trở thành bức tượng lớn nhất thế giới.
Bức tượng này được làm từ gần 100.000 tấn bê tông và cốt thép, đặt bên cạnh dòng sông Narmada ở bang Nujarat. Bức tượng lớn nhất thế giới này là dự án đầy tham vọng của ông Modi khi ông còn là Thủ hiến bang Gujarat hồi năm 2010. Kinh phí xây dựng vào khoảng 400 triệu USD.