Khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan thường xuyên chứng kiến các vụ đụng độ giữa binh sĩ 2 bên. (Ảnh: AFP)
Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ thương mại với Ấn Độ: Ngày 7/8, chính phủ Pakistan tuyên bố sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ, để phản đối việc Ấn Độ ngày 5/8 đã hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir.
Ngoài ra Pakistan cũng sẽ xem xét lại các thỏa thuận song phương đã ký với Ấn Độ và đưa vấn đề Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tờ báo Ấn Độ Ngày nay (India today) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood cho biết, Pakistan cũng đã thông báo sẽ triệu Đại sứ tại Ấn Độ về nước và cũng sẽ sớm trục xuất Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan.
Hiện, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa phản ứng về động thái mới nhất của Pakistan, vốn được xem là bước leo thang căng thẳng mới giữa 2 quốc gia láng giềng này.
Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" khiến căng thẳng 2 nước ngày càng leo thang. (Ảnh: Reuters)
Căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc không ngừng "tăng nhiệt": Ngày 7/8, Nhật Bản đã ban hành một dự luật sửa đổi, loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, sau khi Nội các Nhật Bản phê chuẩn văn kiện này hồi tuần trước.
Dự luật do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ban hành sẽ đưa văn kiện này có hiệu lực vào ngày 28/8 tới, vì việc thực thi mất 21 ngày. Động thái này diễn ra trong bối cảnh leo thang tranh cãi giữa Nhật Bản với Hàn Quốc.
Theo dự luật sửa đổi, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt từng đơn hàng. Nhật Bản cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định các đơn hàng xuất khẩu.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng căng thẳng kể từ khi Nhật Bản hồi tháng trước siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).
Hàn Quốc cho rằng đây là động thái trả đũa của Nhật Bản trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) và nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido. (Ảnh: Reuters)
Bị Mỹ cấm vận kinh tế toàn diện, Venezuela giận dữ phản pháo: Ngày 6/8, chính phủ Venezuela đã đề nghị Liên Hợp Quốc đưa ra phản ứng trước việc chính quyền Mỹ công bố các quyết định trừng phạt liên tiếp nhằm vào chính quyền nước này và trên hết là nhân dân nước Nam Mỹ này.
Trước phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Venezuela tại Liên Hợp Quốc Samuel Moncada hôm 6/8 cáo buộc, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ là nhằm tước đoạt của cải và tài nguyên của Venezuela.
Trước đó, ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Trump đã ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela tại nước này và cấm tất cả mọi giao dịch liên quan của Venezuela, trừ những trường hợp ngoại lệ, nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực.
Đây là lần đầu tiên Mỹ áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy đối với một quốc gia ở Tây Bán cầu trong 30 năm qua và là biện pháp cấm vận kinh tế toàn diện tương tự như đã làm với Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba.
Chiếc xe cảnh sát giả được sử dụng trong vụ cướp 770kg vàng ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AP)
Brazil tìm được kẻ chủ mưu cướp 770kg vàng tại sân bay ở Sao Paulo: Ngày 6/8, cơ quan chức năng Brazil thông báo đã xác định đối tượng chủ mưu thực hiện vụ cướp 770kg vàng bị tại nhà ga sân bay quốc tế Guarulhos, bang Sao Paulo hồi tháng Bảy vừa qua.
Cảnh sát Brazil cho biết tổng cộng có 14 nghi phạm đã tham gia vào vụ cướp trên chứ không phải 5 người như thông báo ban đầu, trong đó 4 đối tượng đã bị giam giữ. Francisco Teotonio da Silva Pascoalin, đối tượng từng thực hiện một vụ cướp vào năm 1980, là chủ mưu chính vụ việc, cùng với nhân viên sân bay Peterson Patrício, được coi là cánh tay phải của hắn.
Ngoài ra, cảnh sát tình nghi có những đối tượng trong nhóm từng tham gia vụ cướp 12 triệu USD tại trụ sở của công ty Prosegur của Tây Ban Nha ở Paraguay vào năm 2017.
Hiện, cảnh sát vẫn chưa xác định được nơi nhóm tội phạm này cất giấu số vàng có tổng trị giá 30 triệu USD trên, song nghi ngờ số vàng này đã bị nấu chảy và đúc thành những tấm nhỏ với trọng lượng 100g với kích thước 9x6cm để cất giấu trong điện thoại di động nhằm chuyển ra nước ngoài.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC ngày 3/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính phủ Mỹ quyết cắt giảm ngân sách hỗ trợ nước ngoài: Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã yêu cầu đánh giá lại chương trình ngân sách hỗ trợ nước ngoài đã được Quốc hội thông qua.
Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng ngân sách Mỹ dành cho các quỹ phục vụ chương trình hỗ trợ y tế toàn cầu, hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, chống buôn bán ma túy và nhiều chương trình khác sẽ sụt giảm mạnh.
Tổng thống Trump đã nhiều lần đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho các quỹ hỗ trợ nước ngoài với mức giảm cụ thể là 23%. Tuy nhiên, đề nghị này liên tục vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên Quốc hội lưỡng viện, từ cả phe Cộng hòa và Dân chủ.
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn quyết thúc đẩy đề xuất và tìm cách trì hoãn các khoản hỗ trợ khi tài khóa 2019 sắp kết thúc vào ngày 30/9 tới với yêu cầu trình các biên bản kế toán những khoản chưa được giải ngân. Theo một cố vấn nghị viện, khoản ngân quỹ có thể bị ảnh hưởng dao động trong khoảng 2 - 4 tỷ USD.