Hiện trường vụ tai nạn gần sân bay quốc tế Jose Marti. (Ảnh: CNN)
Công bố nguyên nhân tai nạn máy bay làm 112 người thiệt mạng tại Cuba: Gần 1 năm sau tai nạn máy bay thảm khốc tại thủ đô La Habana khiến 112 người thiệt mạng, Viện Hàng không dân dụng Cuba (IACC) đã công bố kết quả điều tra với nhận định sai lầm của tổ lái trong việc tính toán trọng lượng và cân bằng của máy bay là nguyên nhân chính dẫn tới việc chiếc máy bay mất kiểm soát và bị rơi trong giai đoạn cất cánh.
Ngày 18/5/2018, máy bay 737-200 do hãng hàng không quốc gia Cubana de Aviación thuê của hãng Global Air của Mexico cho chuyến bay mang mã số DMJ-972 từ La Habana tới Holguín đã rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh với 113 hành khách và phi hành đoàn trên khoang.
IACC cho biết Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông của Cuba, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và cơ quan chức năng hàng không dân dụng Mexico đã tham gia quá trình điều tra phức tạp này.
Hai hộp đen của máy bay được chuyển tới Mỹ để phân tích với sự hỗ trợ về công nghệ của hãng Boeing, trong IACC tiến hành phân tích tại Cuba các bằng chứng thu được tại hiện trường vụ tai nạn. Quá trình dàn dựng lại diễn biến sự việc theo các thông số kỹ thuật và suy luận logic được hoàn thành vào cuối tháng 3 vừa qua.
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Ảnh: News.sky)
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson muốn ứng cử chức Thủ tướng: Cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là nghị sỹ đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson ngày 17/5 tuyên bố muốn ứng cử vị trí Chủ tịch đảng Bảo thủ và vị trí Thủ tướng Anh. Mùa hè năm ngoái, ông Johnson đã rời khỏi chính phủ của Thủ tướng Theresa May do bất đồng về kế hoạch Brexit.
Dự kiến vào đầu tháng 6, Thủ tướng Theresa May sẽ thông báo thời điểm bà từ chức. Bà Theresa May từng cam kết sẽ từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng nếu các nghị sỹ Anh thông qua thỏa thuận rút khỏi EU của bà. Do vậy, sẽ phải có một người đứng đầu chính phủ Anh để tiến hành các cuộc đàm phán về tương lai quan hệ Anh-EU.
Hiện giới chức Anh vẫn chia rẽ sâu sắc về thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Dự kiến đầu tháng 6, các nghị sỹ Anh sẽ bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May. Thỏa thuận này từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà Theresa May phải xin gia hạn Brexit hai lần và hạn chót là ngày 31/10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU.
Pháp không ngăn chặn Huawei, chỉ trích Mỹ phát động chiến tranh công nghệ. (Ảnh: Reuters)
Pháp "bênh" Huawei, chỉ trích Mỹ phát động chiến tranh công nghệ: Phát biểu trước báo giới khi đến tham dự triển lãm công nghệ Viva Tech tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, việc phát động một cuộc chiến công nghệ hay cuộc chiến thương mại vào thời điểm này là không thích hợp, dù là nhằm vào bất cứ nước nào.
Bình luận này của ông Macron được đưa ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang rất căng thẳng do cuộc chiến thương mại và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc được mua các sản phẩm công nghệ từ Mỹ.
Về phần mình, ông Macron cũng tuyên bố nước Pháp không có ý định làm theo Mỹ và mục tiêu của Pháp cũng như châu Âu không phải là ngăn chặn Huawei hay tiến hành một cuộc chiến công nghệ nào mà là tìm ra các phương thức thích hợp để bảo vệ chủ quyền của nước Pháp và châu Âu.
Trụ sở EU tại Brussels. (Ảnh: AFP)
EU loại 3 nước và vùng lãnh thổ khỏi danh sách đen "thiên đường thuế": Ngày 17/5, tại các cuộc họp ở thủ đô Brussels, Bỉ, các bộ trưởng tài chính của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại 3 nước và vùng lãnh thổ ra khỏi danh sách đen "thiên đường thuế".
Cụ thể đảo Aruba của Hà Lan, đảo quốc Barbados và vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh đã được đưa ra khỏi danh sách "quyền hạn phi hợp tác về thuế" của EU.
Như vậy, hiện trong danh sách đen "thiên đường thuế" của EU vẫn còn 12 nước và vùng lãnh thổ, gồm Belize, Dominica, Fiji, Oman, Samoa, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trinidad và Tobago, Vanuatu cùng với 4 vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam và các quần đảo Virgin và Marshall.
Danh sách đen các "thiên đường thuế" bao gồm những quốc gia thể hiện năng lực yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Ông Volodymir Zelensky (thứ 2, phải) bên những người ủng hộ sau khi kết quả thăm dò cuộc bầu cử Tổng thống được công bố, ở Kiev ngày 21/4/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Liên minh cầm quyền trong Quốc hội Ukraine giải tán: Ngày 17/5, khối đại biểu đảng Mặt trận Nhân dân trong Quốc hội Ukraine đã tuyên bố rời khỏi liên minh cầm quyền, qua đó tạm thời tước đi cơ hội giải tán Quốc hội trước thời hạn mà Tổng thống đắc cử Volodymir Zelensky dự định sẽ tiến hành ngay sau khi nhậm chức ngày 20/5 tới.
Tại phiên họp ngày 17/5, lãnh đạo khối đại biểu Mặt trận Nhân dân Maxim Burbak tuyên bố ngừng hoạt động trong liên minh từ ngày 17/5 và nêu sáng kiến thành lập liên minh mới.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Andriy Parubiy tuyên bố liên minh đã ngừng mọi hoạt động và "trong một tháng kể từ ngày hôm nay... cần phải thành lập một liên minh mới."
Báo chí Ukraine đưa tin lý do của quyết định là tỷ lệ ủng hộ thấp, cũng như cơ hội không rõ rệt trong cuộc bầu cử trước thời hạn tới, đang gây ra những điều kiện bất lợi đối với Mặt trận Nhân dân.