Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Reuters)
Chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit: Phiên họp Hội đồng Bộ trưởng Anh để xem xét dự thảo thoả thuận Brexit đã kéo dài đến hơn 5 tiếng đồng hồ trong chiều tối 14/11 (theo giờ địa phương). Đích thân Thủ tướng Anh, bà Theresa May sau đó đã xuất hiện và đưa ra thông báo ngắn gọn với báo chí.
Bà May nói: “Quyết định tập thể của chính phủ Anh là thông qua bản dự thảo thoả thuận này cũng như tuyên bố chính trị. Đây là một bước tiến quyết định cho phép chúng ta có thể hoàn tất thoả thuận Brexit trong những ngày tới”.
Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit là một thắng lợi chính trị quan trọng với bà Theresa May. Trước đó, trong tối 13/11, bà May đã gặp từng cá nhân Bộ trưởng trong chính phủ Anh để thuyết phục các nhân vật này ủng hộ dự thảo thoả thuận.
Tuy nhiên, các thách thức thực sự sẽ đến với bà May trong những ngày tới, với cuộc chiến tại Nghị viện Anh. Ngay sau khi chính phủ Anh thông báo thông qua dự thảo thoả thuận Brexit, các lãnh đạo của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland – DUP và đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã lên tiếng phản đối.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump (trái) và Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Mira Ricardel. (Ảnh: New York Post)
Đệ nhất phu nhân Mỹ kêu gọi sa thải quan chức cấp cao Nhà Trắng: Trong một động thái bất ngờ, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump ngày 13/11 kêu gọi sa thải Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Mira Ricardel, USA Today đưa tin.
"Quan điểm của Văn phòng Đệ nhất phu nhân là bà ấy (Ricardel) không còn xứng đáng với vinh dự được phục vụ tại Nhà Trắng", Stephanie Grisham, giám đốc truyền thông của bà Melania nhấn mạnh trong một thông báo.
Thông tin được đưa ra chỉ vài phút sau một sự kiện được Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì và có Ricardel tham dự.
Hai quan chức chính quyền cho hay bà Ricardel, người được Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton chỉ định vào chức vụ, bất hòa với nhiều thành viên chính phủ khác, không chỉ riêng đội ngũ của Đệ nhất phu nhân Melania.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. (Ảnh: Telegraph)
Séc chính thức rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư: Cộng hòa Séc trở thành nước mới nhất rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên Hợp Quốc (LHQ) khi ngày 14/11 tuyên bố họ sẽ không tham gia ký vào văn bản này tại một hội nghị liên chính phủ của LHQ dự kiến sẽ diễn ra ở Marocco vào tháng 12 tới.
Phát biểu với báo chí ở thủ đô Praha sau cuộc họp thường kỳ của nội các, Phó Thủ tướng Richard Brabec cho biết không chỉ Cộng hòa Séc mà nhiều nước khác ở châu Âu từ lâu ủng hộ nguyên tắc tách bạch di cư hợp pháp và bất hợp pháp, tuy nhiên văn bản cuối cùng hoàn toàn không phản ánh nguyện vọng đó.
Như vậy sau Hungary và Áo, Cộng hòa Séc là nước thành viên Liên minh châu Âu mới nhất chính thức tuyên bố không tham gia Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ. Ba Lan, Bungary, Italy và một số nước khác đang cân nhắc có các động thái tương tự.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chỉ trích những nước rút khỏi hiệp ước của LHQ và cảnh báo EU sẽ mất đi vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết khủng hoảng di cư nếu có thêm các thành viên EU từ chối tham gia.
Hậu quả sau khi một ngôi nhà ở Gaza trúng tên lửa của Israel. (Ảnh: Reuters)
Hamas thông báo ngừng bắn với Israel, Dải Gaza tạm thời hạ nhiệt: Các nhóm vũ trang Palestine, trong đó có Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát dải Gaza hôm 13/11 thông báo đạt được một lệnh ngừng bắn với Israel dưới sự trung gian hòa giải của Ai Cập.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh đợt giao tranh ác liệt nhất kể từ năm 2014 bùng phát hồi đầu tuần đang đe dọa sự ổn định của khu vực và có nguy cơ đẩy hai bên vào một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn.
Ngay sau thông tin về lệnh ngừng bắn, tình hình trên Dải Gaza tối 13/11 đã có dấu hiệu lắng dịu. Các trường học, phải đóng cửa trước đó cùng ngày, dự kiến sẽ mở cửa trở lại trong ngày 14/11. Hàng nghìn người dân trên Dải Gaza đã xuống đường ăn mừng điều mà họ cho là “chiến thắng của Palestine trước Israel”.
Cũng giống như thường lệ, chính phủ Israel không đưa ra bất kỳ phát biểu nào nhằm xác nhận thông tin về lệnh ngừng bắn, song theo Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon, nước này sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào dải Gaza khi cần thiết.
Đức đồng lòng với Pháp trong việc thành lập quân đội châu Âu. (Ảnh: EFE)
Đức đồng lòng với Pháp trong việc thành lập quân đội châu Âu: Trong bài phát biểu dài 20 phút trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg ngày 13/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, “thời đại mà các nước có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của nước khác mà không đặt ra vấn đề gì” đã kết thúc, và vì thế, đã đến lúc châu Âu cần thành lập quân đội của riêng mình.
Theo bà Merkel, việc thành lập quân đội châu Âu sẽ là sự bổ trợ cho NATO chứ không phải là để đe dọa sự tồn tại của Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.
Về lộ trình cụ thể, Thủ tướng Đức đưa ra đề xuất lập một Hội đồng an ninh châu Âu hoạt động với cơ chế Chủ tịch luân phiên, đồng thời xây dựng một chiến lược xuất khẩu vũ khí chung cho toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Các phát biểu này của bà Angela Merkel là phát ngôn mới nhất của một lãnh đạo cấp cao châu Âu liên quan đến chủ đề thành lập quân đội châu Âu. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm sống dậy chủ đề này khi cho rằng “châu Âu cần có quân đội riêng để tự bảo vệ mình trước Nga, Trung Quốc và Mỹ”.