Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir. (Ảnh: monitor.co.ug)
Quốc hội Nam Sudan gia hạn nhiệm kỳ Tổng thống đến năm 2021: Quốc hội Nam Sudan ngày 12/7 bỏ phiếu thông qua việc gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thống Salva Kiir đến năm 2021, một bước đi được cho là có thể làm phức tạp hơn các cuộc đàm phán hòa bình hiện nay.
Là quốc gia trẻ nhất thế giới khi chỉ mới tuyên bố độc lập từ Sudan năm 2011, Nam Sudan đang phải đối mặt với cuộc nội chiến kéo dài suốt 4 năm qua do bất đồng chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar, hiện là thủ lĩnh nhóm nổi dậy tại nước này.
Trong một phản ứng đầu tiên, nhóm nổi dậy của ông Riek Machar đã phản đối việc gia hạn nhiệm kỳ của các quan chức chính phủ Nam Sudan.
Cuộc nội chiến tại Nam Sudan đã làm hàng chục nghìn người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời làm sản lượng dầu thô, nguồn thu chính của đất nước bị sụt giảm nghiêm trọng.
Cựu lãnh đạo ly khai Catalonia, ông Puigdemont. (Ảnh: Sputnik)
Đức cho phép dẫn độ cựu lãnh đạo ly khai Catalonia về Tây Ban Nha: Toà án vùng Schleswig-Holstein tại Đức ngày 12/7 đã bật đèn xanh cho việc dẫn độ ông Carles Puigdemont, cựu thủ lĩnh ly khai của vùng Catalonia, về Tây Ban Nha theo lệnh truy nã của nước này phát đi từ tháng 10/2017. Việc dẫn độ sẽ do các công tố viên Đức tổ chức và thực hiện.
Hồi tháng 4 năm nay, chính toà án này đã ra phán quyết rằng ông Carles Puigdemont sẽ không thể bị dẫn độ về Tây Ban Nha vì tội danh “nổi loạn” mà chỉ có thể bị dẫn độ vì tội danh tham ô công quỹ.
Đây được xem là thắng lợi pháp lý quan trọng của ông Puigdemont bởi nếu bị kết án với tội danh nổi loạn, ông Puigdemont có thể sẽ phải ngồi tù đến 30 năm, trong khi tội danh tham ô chỉ từ 5 đến 7 năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty Images)
Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây: Ngày 12/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây thêm 18 tháng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt liên quan tới các hành động của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm trên đến ngày 31/12/2019. Trước đó, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho tới cuối năm nay.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AP)
Anh công bố Sách Trắng về quan hệ với EU thời hậu Brexit: Sau nhiều tháng trì hoãn, chiều 12/7 theo giờ địa phương, Chính phủ Anh đã chính thức công bố “Sách Trắng Brexit.” Văn bản dài 98 trang này được đánh giá là tài liệu “có ý nghĩa nhất” về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh năm 2016 về quyết định rời khỏi châu Âu.
Sách Trắng Brexit tập hợp những đề xuất được Chính phủ Anh đưa ra với kỳ vọng thiết lập nền tảng cho mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU trong mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào quan hệ thương mại và hợp tác với EU trong những năm tới, với đề xuất trọng tâm là kế hoạch xây dựng một khu vực thương mại tự do về hàng hóa cùng EU, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh.
Cảnh sát đứng khác trước một ngôi nhà ở Amesbury ngày 10/7. (Ảnh: AFP)
Người đàn ông nhiễm chất độc thần kinh ở Anh không còn nguy kịch: Bệnh viện cho biết Charlie Rowley, 45 tuổi, đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Rowley bất tỉnh vào ngày 30/6 tại nhà ở Amesbury cùng với người phụ nữ có tên Dawn Sturgess, 44 tuổi.
Anh xác định họ nhiễm chất độc thần kinh Novichok, loại được sử dụng trong cuộc tấn công bố con cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal hồi tháng ba tại Salisbury, cách Amesbury khoảng 12 km. Sturgess qua đời vào cuối tuần trước.