Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Panmunjom, Khu Phi quân sự liên Triều hôm 27/4. (Ảnh: KCNA)
Quốc hội Hàn Quốc không thông qua dự thảo ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom: Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc đưa tin ngày 28/5, Quốc hội Hàn Quốc đã không thông qua được dự thảo nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom, vốn được lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.
Cụ thể, kế hoạch thông qua dự thảo này bị đổ vỡ do vấp phải sự phản đối của đảng Hàn Quốc Tự do đối lập, với lập luận rằng cần phải làm rõ nội dung phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong dự thảo. Đảng này muốn dự thảo phải nêu rõ điều kiện Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân "hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược."
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AP)
Mỹ, Nhật Bản nhất trí gặp nhau trước thềm thượng đỉnh với Triều Tiên: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 28/5 cho biết, ông cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí gặp nhau trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Abe đưa ra thông báo trên sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump.
Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Abe đã nỗ lực giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, coi đây là ưu tiên hàng đầu.
Cuộc điện đàm trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Abe gặp một số thân nhân của những người bị bắt cóc và ông Abe cho biết đã nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump về sự cần thiết của việc giải quyết vấn đề này.
Ông Carlo Cottarelli được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời Italy. (Ảnh: NDTV)
Ông Carlo Cottarelli được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời Italy: Ngày 28/5, Tổng thống Italy Sergio Mattarella chỉ định ông Carlo Cottarelli, 64 tuổi, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Thủ tướng lâm thời để thành lập chính phủ mới.
Động thái này diễn ra sau khi chiều 27/5, ông Giuseppe Conte, người vừa được phê chuẩn làm Thủ tướng Italy vài ngày trước đó, tuyên bố, ông từ chối làm Thủ tướng Italy.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Conte đưa ra quyết định này là do bất đồng với Tổng thống Mattarella về việc chỉ định người sẽ làm Bộ trưởng Kinh tế Italy trong Chính phủ mới.
Tổng thống Syria nằm trong danh sách bị EU đóng băng tài khoản và cấm nhập cảnh vào EU. (Ảnh: Reuters)
EU gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Syria thêm 1 năm: Ngày 28/5, Hội đồng châu Âu đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria cho đến ngày 1/6/2019. Danh sách trừng phạt hiện bao gồm 259 người và 67 thực thể, bị cấm đi du lịch đến châu Âu và đóng băng tài sản tại đây.
Về tổng thể, các biện pháp trừng phạt hiện tại của EU chống Syria bao gồm lệnh cấm vận dầu lửa, hạn chế đầu tư, đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU...
Hội đồng châu Âu cho biết, EU vẫn cam kết tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài và đáng tin cậy cho cuộc xung đột ở Syria như tinh thần của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tuyên bố Geneva năm 2012.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đối thoại toàn dân vào ngày 7/6: Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định sẽ đối thoại với toàn dân theo hình thức “Đường dây trực tiếp” vào ngày 7/6 tới đây.
Chương trình đặc biệt “Đường dây trực tiếp với Vladimir Putin” sẽ bắt đầu vào lúc 12 giờ (16 giờ Việt Nam) ngày 7/6 và được phát trên các kênh truyền hình chính: Kênh Một, Rossia 1, Rossia 24, OTR, đài phát thanh Mayak, Vesti FM và Radio Rossii.
Người dân có thể đặt câu hỏi cho nguyên thủ quốc gia bằng cách gọi đến số điện thoại được thông báo trước, nhắn tin ký tự (SMS) hoặc tin nhắn đa phương tiện (MMS), cũng như gửi câu hỏi qua trang web của chương trình hoặc ứng dụng riêng cho điện thoại.