Quốc vương Salman đã viết thư gửi các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm phản đối việc đưa Saudi Arabia vào danh sách các quốc gia rửa tiền. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)
EU phủ quyết thêm Saudi Arabia vào danh sách các quốc gia rửa tiền: Các đại sứ của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/3 đã bác bỏ một đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm thêm Saudi Arabia và một số quốc gia khác vào danh sách đen gồm các nước rửa tiền.
Các Bộ trưởng Nội vụ của EU sẽ chính thức hóa quyết định bác bỏ trên tại một hội nghị ở Brussels ngày 7/3.
Danh sách gây tranh cãi trên cũng đã phải đối mặt với sự phẫn nộ của Quốc vương Saudi Arabia Salman. Ông đã viết một bức thư phản đối gửi tới các lãnh đạo châu Âu. Bức thư nhấn mạnh việc đưa vương quốc vùng Vịnh này vào danh sách trên là động thái "ngạc nhiên và bất ngờ", đồng thời cảnh báo rằng hành động trên sẽ gây phương hại tới "các dòng vốn đầu tư và thương mại giữa vương quốc này với EU".
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland gọi danh sách trên là "hành động giáo điều", và bày tỏ tức giận vì các vùng lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam, Puerto Rico, Samoa và quần đảo Virgin cũng xuất hiện trong danh sách.
Đại sứ Adel Mohamed Ali BA Hamid chia sẻ thông tin về cuộc xung đột tại Yemen.
Hơn 11 triệu trẻ em Yemen cần viện trợ nhân đạo: Yemen có dân số khoảng 29 triệu người, nhưng trong đó có 22,2 triệu người đang cần giúp đỡ, bao gồm 11,3 triệu trẻ em cần viện trợ nhân đạo mà trong đó có khoảng 400.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và 1 triệu trẻ em không được ở trong ngôi nhà của mình.
Đây là những con số mà Đại sứ Yemen tại Malaysia, tiến sỹ Adel Mohamed Ali BA Hamid chia sẻ tại cuộc hội thảo “Hiểu về cuộc xung đột ở Yemen” tổ chức ngày 6/3 bởi Viện Nghiên cứu Malaysia và Quốc tế (IKMAS) thuộc Đại học Quốc gia Malaysia (UKM).
Theo thống kê của Liên hợp quốc, tổng số dân thường bị thương vong bởi cuộc nội chiến ở Yemen từ tháng 3/2015 tới nay lên tới 18.173 người. Ngoài ra còn có khoảng 20 triệu người cần giúp đỡ để đảm bảo về thực phẩm, trong đó có gần 10 triệu người mới vừa thoát khỏi nạn đói.
(Ảnh: BBC)
Chính phủ Anh khẳng định vẫn bỏ phiếu về Brexit lần 2 đúng hạn: Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng nước này khẳng định Anh vẫn sẽ tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit lần 2 theo đúng kế hoạch vào ngày 12/3 tới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về những nội dung sửa đổi trong thỏa thuận Brexit vẫn chưa có tiến triển.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 tới, nếu Quốc hội Anh vẫn không thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng May thì chính phủ Anh sẽ yêu cầu các nghị sỹ bỏ phiếu lựa chọn giữa "Brexit không thỏa thuận" hoặc gia hạn lùi ngày Anh rời EU.
Để tránh kịch bản xấu có thể xảy ra, từ nay đến trước ngày bỏ phiếu, Thủ tướng May sẽ nỗ lực tối đa để thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ bà. Theo quy định, Chính phủ Anh sẽ phải in thỏa thuận Brexit sửa đổi để đưa cho các nghị sỹ nghiên cứu một ngày trước khi tiến hành bỏ phiếu. Một số thành viên Nội các Anh tỏ ra bi quan về triển vọng lần bỏ phiếu tới.
Ông Martin Kriener. (Ảnh: Reuters)
Venezuela trục xuất Đại sứ Đức vì "can thiệp công việc nội bộ": Ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Venezuela đã quyết định trục xuất Đại sứ Đức tại nước này, ông Martin Kriener, với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Caracas. Đại sứ Martin Kriener sẽ có 48 giờ để rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này.
Chính phủ Venezuela đưa ra quyết định trên một ngày sau khi Đại sứ Kriener cùng một số nhà đại diện ngoại giao khác ra sân bay đón thủ lĩnh đối lập Juan Guaido về nước sau chuyến công du Nam Mỹ 10 ngày.
Trong phản ứng ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố khẳng định quyết định trục xuất Đại sứ Kriener là hành động “không thể hiểu nổi” và chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.
Phát biểu với các nghị sỹ đối lập ở Venezuela, ông Guaido cũng phản đối việc trục xuất Đại sứ Kriener.
Khu công nghiệp chung Kaesong ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàn Quốc có thể cho phép doanh nhân đến khu công nghiệp chung Kaesong: Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 6/3 cho biết Chính phủ Hàn Quốc có thể cho phép các doanh nhân nước này đến thăm Khu công nghiệp chung Kaesong bị đóng cửa ở Triều Tiên trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc hiện nay.
Trước đó một ngày, 179 doanh nhân từng vận hành các nhà máy trong khu công nghiệp ở thị trấn vùng biên Kaesong của Triều Tiên đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc cho phép họ đi tới đó để kiểm tra các nhà máy và thiết bị họ bỏ lại khi khu công nghiệp này bị đóng cửa đột ngột năm 2016.
Ông Baik Tae-hyun, phát ngôn viên bộ trên, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ: "(Tôi) nghĩ rằng có khả năng các doanh nhân có thể đi đến các nhà máy của họ trong khu công nghiệp này với mục đích kiểm tra tài sản của họ, không phải để nối lại hoạt động, theo các lệnh trừng phạt hiện tại."
"Chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu của họ tính đến các yếu tố khác nhau, bao gồm kết quả tham vấn với Triều Tiên và các cuộc thảo luận với các bộ liên quan, nỗ lực để có được sự hiểu biết từ phía Mỹ và cộng đồng quốc tế".