Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim và Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: Tass)
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều tại Vladivostok: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/4 đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok của Nga.
Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 8 năm qua được đánh giá là hiệu quả và tích cực, mở ra cơ hội thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Nga- Triều, cũng như tạo ra “chất xúc tác” để tháo gỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc thảo luận kín kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, dài gấp đôi so với thời gian dự kiến ban đầu là 50 phút. Sau cuộc thảo luận kín là cuộc hội đàm với thành phần mở rộng.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã không ngừng sử dụng những lời có cánh dành cho nhau, với việc Nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi Nga là "người láng giềng hữu nghị vĩ đại". Hai bên cũng đánh giá các cuộc đối thoại là “ hữu ích” và “xây dựng”, với khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Cảnh sát đặc nhiệm Ai Cập. (Ảnh: Daily Sabah)
Ai Cập áp dụng tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng: Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp ở nước này trong ba tháng, bắt đầu từ 1h sáng 25/4 (giờ địa phương).
Quyết định nêu rõ: "Các lực lượng vũ trang và lực lượng cảnh sát sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để chống lại các mối đe dọa và tài trợ cho khủng bố, để duy trì an ninh trên toàn quốc, bảo vệ tài sản công cộng, tư nhân và cứu mạng sống của công dân".
Quyết định này là một phần mở rộng của tình trạng khẩn cấp được tuyên bố từ tháng 4/2017 sau vụ đánh bom khủng bố tại nhà thờ St. George ở Tanta và Mar Mark ở Alexandria. Hiến pháp Ai Cập quy định tuyên bố về tình trạng khẩn cấp trong thời gian không quá 3 tháng.
Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Hemasiri Fernando. (Ảnh: Colombo Telegraph)
Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka từ chức sau loạt vụ đánh bom: Ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Hemasiri Fernando đã gửi một lá đơn xin từ chức tới Tổng thống Maithripala Sirisena sau khi để xảy ra loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào các khách sạn và nhà thờ trong ngày Lễ Phục sinh 21/4, khiến ít nhất 359 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.
Theo ông Fernando, với cương vị người đứng đầu lực lượng quốc phòng, ông phải chịu một phần trách nhiệm khi không thể ngăn chặn loạt vụ tấn công đẫm máu này.
Mặc dù vậy, ông Fernando cũng khẳng định các cơ quan an ninh Sri Lanka đã phản ứng nhanh chóng trước các thông tin về nguy cơ xảy ra tấn công trước khi các vụ đánh bom thực sự xảy ra.
Trước đó, Tổng thống Maithripala Sirisena cam kết sẽ tiến hành cơ cấu lại bộ máy an ninh quốc gia, thay thế một số lãnh đạo lực lượng an ninh và quốc phòng nước này vì thất bại trong việc ngăn chặn loạt vụ đánh bom nói trên mặc dù cơ quan an ninh đã có thông tin từ trước.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ: Ngày 25/4, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nối dài danh sách ứng viên của phe Dân chủ.
Ông Biden đã thông báo về chiến dịch tranh cử lần thứ 3 trong sự nghiệp trên một video đăng tải trên kênh YouTube và một mạng xã hội khác.
Cựu phó Tổng thống Mỹ cho rằng các giá trị căn bản, vị thế của nước Mỹ trên thế giới, nền dân chủ và mọi thứ làm nên cường quốc này đang bị thay đổi một cách căn bản.
Vì vậy, ông quyết định ra tranh cử. Dự kiến, ông sẽ xuất hiện lần đầu tiên trong cương vị một ứng viên tổng thống vào ngày 30/4 tới tại một sự kiện ở Pittsburgh.
Nhà vua Thái Lan Rama X. (Ảnh: Reuters)
Thái Lan chuẩn bị cho Lễ Đăng quang của Nhà vua Rama X: Để chuẩn bị cho Lễ Đăng quang của Nhà vua Maha Vajiralongkorn - Rama X vào tháng Năm này, chính quyền thành phố Bangkok đã thành lập 12 ủy ban nhằm đảm bảo cung cấp thức ăn, nước uống và vệ sinh công cộng cho người dân.
Các khu bếp lưu động sẽ được lắp đặt tại 6 địa điểm, trong đó có Lan Khon Muang Plaza ở đối diện Tòa thị chính và Bảo tàng Siam trên đường Sanam Chai Road ở gần Hoàng cung, để cung cấp thức ăn miễn phí.
Chính quyền cũng chuẩn bị 80 téc nước sạch và 8 xe chở nước lưu động để phục vụ người dân, đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân phân phát nước uống miễn phí ở 90 điểm khác.
Nhà chức trách Thái Lan ước tính sẽ có hơn 200.000 người tới dự các buổi lễ trong dịp Đăng quang của Nhà vua. Giám đốc Văn phòng Chiến lược Cảnh sát, Trung tướng Kraiboon Suadsong, cho biết Quảng trường Sanam Luang và các khu vực dọc theo tường rào của Hoàng cung sẽ mở cửa cho công chúng đến theo dõi các nghi thức Hoàng gia trong hai ngày 5-6/5.