Hy Lạp đã kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ. (Ảnh: Greek Reporter)
Hy Lạp kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ: Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Hy Lạp chính thức thoát khỏi tình cảnh bị đặt dưới sự kiểm soát tài chính từ các chủ nợ, sau khi nước này hoàn tất gói cứu trợ thứ 3.
Đây cũng chính là gói cứu trợ cuối cùng mà chính phủ Hy Lạp nhận từ các chủ nợ. Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận tổng cộng 260 tỷ euro cứu trợ từ các chủ nợ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Để đổi lấy các gói cứu trợ, các đời chính phủ Hy Lạp đã phải cam kết thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng vô cùng khắc khổ, đồng thời thực hiện những cải cách khắc nghiệt trong các lĩnh vực lao động, hưu trí và an sinh xã hội. Ngoài ra, nước này cũng bị đặt dưới sự giám sát tài chính chặt chẽ từ các chủ nợ như Liên minh châu Âu hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Lực lượng an ninh Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phiến quân Taliban từ chối đề nghị ngừng bắn của chính phủ Afghanistan: Reuters đưa tin, ngày 20/8, hai chỉ huy giấu tên của Taliban cho biết thủ lĩnh tối cao của nhóm Sheikh Haibatullah Akhunzada đã từ chối đề nghị của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về một lệnh ngừng bắn kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha (Hiến sinh) của người Hồi giáo.
Hồi tháng Sáu vừa qua, hai bên đã thực hiện một lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày nhân dịp lễ Eid al-Fitr. Tuy nhiên, một chỉ huy Taliban cho rằng lệnh ngừng bắn này chỉ có lợi cho quân đội Mỹ, lực lượng mà Taliban đang tìm cách đánh bật khỏi Afghanistan. Chính vì vậy, thủ lĩnh Taliban Sheikh Haibatullah Akhunzada đã từ chối đề nghị mới của chính phủ Afghanistan với lý do tương tự.
Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)
Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công bằng súng: Theo hãng tin CNN từ Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 20/8, một đối tượng chưa rõ danh tính trên chiếc ôtô màu trắng chạy ngang qua Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn liên tiếp 5-6 phát súng vào cơ quan ngoại giao này.
Vụ việc diễn ra vào khoảng 5 giờ địa phương, tại chốt kiểm soát an ninh thuộc Cổng số 6 của Đại sứ quán Mỹ, khiến cửa sổ của chốt này bị vỡ, không có thương vong. Chiếc xe cùng thủ phạm đã tẩu thoát trước khi cơ quan chức năng có thể xác định được biển đăng ký. Hiện cảnh sát đang tiếp tục truy tìm đối tượng trên.
Hàng nghìn người Venezuela chờ xếp hàng để vào Ecuador. (Ảnh: Reuters)
Hàng loạt nước láng giềng thắt chặt kiểm soát biên giới với Venezuela: Chính phủ Brazil ngày 20/8 tuyên bố sẽ triển khai 120 thành viên lực lượng an ninh quốc gia đến bang Roraima giáp biên giới với Venezuela vì xảy ra đụng độ giữa người dân nước này tại thị trấn Pacaraima với người di cư đến từ quốc gia láng giềng.
Đây là một phần trong những biện pháp tăng cường an ninh mà các nước láng giềng của Venezuela như Brazil, Ecuador và Peru đang áp dụng để đối phó với dòng người di cư tìm cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Nam Mỹ này, CNN ngày 20/8 đưa tin.
Các thành viên gia đình từ Hàn Quốc và Triều Tiên ôm nhau trong cuộc đoàn tụ tại núi Gumgang, phía Đông Triều Tiên ngày 20/8. (Ảnh: Yonhap)
Nước mắt hạnh phúc khi đoàn tụ của các gia đình Hàn-Triều ly tán: Các gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên (1950–1953) ngày 20/8 đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng trên núi Gumgang, phía Đông Triều Tiên, gần khu phi quân sự liên Triều. Cuộc hội ngộ kéo dài 11 giờ này là lần đầu tiên hai nước tổ chức gặp mặt cho các gia đình ly tán trong vòng ba năm qua, theo Reuters.
Khoảng 330 người Hàn Quốc từ 89 gia đình, nhiều người trong số họ phải ngồi xe lăn, đã được gặp 185 thân nhân thất lạc tại Triều Tiên. Họ ôm nhau trong nước mắt, niềm hạnh phúc và cả sự hoài nghi. Một số người gần như không thể nhận ra người thân sau suốt 65 năm xa cách.
Trong ba ngày từ 20 đến 22/8, các gia đình sẽ được đoàn tụ 6 lần trong khoảng thời gian 11 giờ. Từ 23 đến 26/8, 88 nhóm thân nhân khác, gồm 469 người Hàn Quốc và 128 người Triều Tiên, sẽ được gặp mặt tại cùng địa điểm, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc.