Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. (Ảnh: AFP)
Lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên sẽ ký thỏa thuận chung vào ngày 28/2: Nhà Trắng ngày 27/2 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tổ chức lễ "ký kết thỏa thuận chung" vào cuối Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra vào ngày 28/2 tại Hà Nội. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ tổ chức họp báo sau hội nghị với ông Kim Jong-un vào lúc 15 giờ 50 (giờ Hà Nội) ngày 28/2.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cho biết, ông Trump sẽ bắt đầu ngày làm việc thứ hai hội nghị thượng đỉnh Hà Nội bằng một cuộc gặp riêng với ông Kim Jong-un, dự kiến kéo dài 45 phút.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tối 27/2 có cuộc gặp đầu tiên lúc 18h30 ở khách sạn Metropole, Hà Nội. Cuộc gặp đánh dấu bắt đầu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tối 27/2, trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết ông có "cuộc gặp tốt đẹp" và "đối thoại vô cùng tốt đẹp" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Morning Standard)
Thủ tướng Anh tuyên bố khả năng hoãn Brexit thêm vài tháng: Thủ tướng Anh Theresa May hôm 26/2 lần đầu tiên tuyên bố có thể lùi việc thực thi Brexit vào ngày 29/3 tới một thời hạn khác do thoả thuận Brexit nhiều khả năng không được Hạ viện Anh thông qua.
Bà May cho rằng, nếu vào ngày 12/3 tới Hạ viện Anh không thông qua thoả thuận Brexit sửa đổi mà bà đã cố gắng đàm phán trong hơn 1 tháng qua với Liên minh châu Âu thì ngay sau đó, vào ngày 13/3, chính phủ Anh sẽ đề nghị một cuộc bỏ phiếu về việc nước Anh rời EU mà không có bất cứ thoả thuận Brexit nào.
Nếu Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ kịch bản Brexit không thoả thuận, mà khả năng đó gần như chắc chắn, thì vào ngày tiếp theo, tức 14/3, bà sẽ đề nghị lùi thời hạn thực thi Brexit trên lý thuyết là ngày 29/3 tới một thời điểm khác, có thể là cuối tháng 6/2019.
Một máy bay thương mại của Hãng hàng không Ấn Độ Air India. (Ảnh: CCO)
Xung đột leo thang với Pakistan, Ấn Độ đóng không phận phía Bắc: Chính phủ Ấn Độ đã dừng hoạt động hàng không tại vùng phía Bắc nước này từ ngày 27/2 sau khi một máy bay Không quân Ấn Độ bị rơi ở Kashmir và phía Pakistan nhận bắn hạ chiến đấu cơ trên.
Hãng Sputnik (Nga) dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết các sân bay Srinagar, Jammu, Amritsar và Chandigarh của Ấn Độ đã bị đóng cửa, ngừng hoạt động hàng không trong bối cảnh leo thang các vụ tấn công xuyên biên giới giữa các lực lượng trên bộ và trên không của hai nước.
“Hoạt động hàng không bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới về tình trạng khẩn cấp", một quan chức của Cơ quan quản lý sân bay Ấn Độ nói với Sputnik.
Sáng cùng ngày, máy bay chiến đấu của Không quân Pakistan đã vượt qua đường ranh giới LoC, sau đó thả bom xuống lãnh thổ Ấn Độ. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ xâm phạm trên.
Pakistan cũng tuyên bố không quân của họ đã bắn hạ hai máy bay Ấn Độ bên trong không phận Pakistan. Một báy bay bị bắn rơi xuống khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Pakistan và chiếc còn lại rơi xuống khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Ấn Độ.
Bộ trưởng Du lịch Nepal Rabindra Adhikari. (Ảnh: DNAIndia/TTXVN)
Rơi trực thăng chở Bộ trưởng Du lịch Nepal, toàn bộ thiệt mạng: Theo thông tin mới nhất từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nepal, toàn bộ 7 người trên trực thăng gặp nạn tại miền Đông ở nước này chiều 27/2 đều đã thiệt mạng, trong đó có Bộ trưởng Du lịch nước này, ông Rabindra Adhikari.
Trước đó, giới chức sân bay quốc tế Tribhuvan xác nhận trực thăng chở Bộ trưởng Du lịch Nepal thuộc sở hữu hãng hàng không Air Dynasty đã rơi xuống địa điểm gần khu vực Pathibhara, huyện Taplejung vào lúc 13h30 ngày 27/2. Hai nhóm cứu hộ đã được ngay lập tức được triển khai tới hiện trường.
Ngoài Bộ trưởng Du lịch Nepal, trong 6 nạn nhân còn lại có một cố vấn thủ tướng, vệ sĩ của Bộ trưởng Adhikari, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal và một quan chức của cơ quan này.
Theo thông tin trước đó, trực thăng đã mất tích khi đang thực hiện lộ trình từ huyện Taplejung tới Terathum. Các quan chức Bộ Du lịch cho biết mục đích chuyến di này của nhóm quan chức chính phủ và doanh nghiệp trên là khảo sát tính khả thi của dự án xây dựng một đường băng tại khu vực Chuhandanda ở huyện Tehrathum.
Hạ viện Mỹ chính thức ngăn chặn Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump. (Ảnh: Reuters)
Hạ viện Mỹ chính thức ngăn chặn Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump: Hạ viện Mỹ ngày 26/2 đã thông qua dự luật để ngăn chặn Tuyên bố khẩn cấp tại biên giới phía Nam của Tổng thống Donald Trump.
Dự thảo nghị quyết đã được thông qua dễ dàng tại Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, với tỷ lệ 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống.
Cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra tại Hạ viện đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội Mỹ có hành động chính thức để ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống, kể từ khi quyền lực này được tạo ra trong Đạo luật khẩn cấp quốc gia năm 1976.
Trường hợp dự thảo nghị quyết này được thông qua tại Thượng viện sẽ buộc Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên phải sử dụng tới quyền phủ quyết và cũng gần như chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ không nhận đủ đa số phiếu ủng hộ cần thiết để phản bác quyền phủ quyết của ông Donald Trump.