Cựu Thủ tướng Malaysia Najib. (Ảnh: Reuters)
Malaysia bắt giữ cựu Thủ tướng Najib Razak: Cựu Thủ tướng Malaysia Najib bị bắt vào khoảng 11h00 ngày 10/12, vài phút sau khi tới trụ sở Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) để trả lời các vấn đề liên quan tới Quỹ 1MDB.
Nguồn tin từ MACC cho biết ông Najib sẽ được thả nếu đóng tiền tại ngoại. Trong khi đó, tờ Malaysiakini cho biết ông Najib sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 12/12.
Trước đó vào ngày 25/11, Tổng Kiểm toán Madinah Mohamad cho biết một phần báo cáo kiểm toán cuối cùng về Quỹ 1MDB đã bị loại bỏ, và phần này liên quan tới doanh nhân Low Taek Jho, còn được biết đến với cái tên Jho Low, người đang lẩn trốn ở nước ngoài. Doanh nhân Jho Low từng là cố vấn của Quỹ 1MDB, bị cả Malaysia và Mỹ cáo buộc rửa tiền liên quan tới quỹ này.
Người di cư Trung Mỹ tập trung ở biên giới Mỹ - Mexico ngày 22/11. (Ảnh: Reuters)
Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về di cư được thông qua tại Maroc: Ngày 10/12, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc đang diễn ra tại Marrakesh (Maroc) với sự tham dự của của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới.
Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.
Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.
Theo kế hoạch, sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra trong ngày 19/12 tới.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Tổng thống Ukraine ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga: Hãng tin Ria Novosti đưa tin ngày 10/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.
Hồi tháng Chín, Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga.
Phía Nga lấy làm tiếc về động thái mà theo Moskva là mang tính "phá hoại" của Kiev.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga được ký ngày 31/5/1997 tại Kiev, có hiệu lực ngày 1/4/1999 với thời hạn 10 năm. Hiệp ước này sẽ tự động gia hạn 10 năm sau khi hết hạn nếu không có sự phản đối từ một trong hai bên.
Các mẫu điện thoại iPhone của Apple
iPhone bị cấm bán tại thị trường Trung Quốc: Một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết cấm bán điện thoại thông minh iPhone của Apple tại thị trường nước này liên quan vụ tranh chấp bằng sáng chế giữa nhà sản xuất chip Qualcomm hàng đầu của Mỹ và "Trái táo cắn dở".
Theo thông báo ngày 10/12 của Qualcomm, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Phúc Châu đã chấp thuận đề nghị của Qualcomm về việc ban bố 2 lệnh cấm sơ bộ đối với 4 nhà phân phối của Apple, theo đó yêu cầu họ ngay lập tức ngừng bán các sản phẩm iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.
Phó Giám đốc điều hành của Qualcomm, Don Rosenberg cáo buộc Apple tiếp tục hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của Qualcomm trong khi không chịu đền bù cho hãng này. Trong khi đó, Apple cho rằng việc Qualcomm tìm cách để các sản phẩm của Apple bị cấm bán là một động thái "liều lĩnh" khác của nhà sản xuất chip vốn đang bị điều tra về các hành vi bất hợp pháp trên toàn thế giới. Apple cũng cho biết tất cả các mẫu iPhone của hãng này vẫn đang được bày bán tại thị trường Trung Quốc.
Cựu chủ tịch Nissan, ông Carlos Ghosn. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Chủ tịch Nissan tiếp tục bị giam giữ để điều tra: Ngày 10/12, các công tố viên Nhật Bản đã chính thức ra cáo buộc ông Carlos Ghosn, Chủ tịch vừa mới bị bãi nhiệm của Nissan Motors, do sai phạm của ông này khi chỉ kê khai 5 tỷ yen (44,5 tỷ USD) trên tổng mức thu nhập 10 tỷ yen thực tế trong suốt 5 năm 2010-2015.
Các nhà chức trách Nhật Bản trong cùng ngày cũng đã phát lệnh bắt giữ mới đối với ông Ghosn do cáo buộc ông tiếp tục sai phạm, giấu thêm 4 tỷ yen trong khoản thu nhập của mình mà không báo cáo trong 3 năm qua.
Với lệnh bắt mới này, ông Ghosn sẽ tiếp tục bị giam giữ tại trại giam ở Tokyo để phục vụ công tác thẩm vấn và điều tra của cảnh sát.
Theo Luật pháp của Nhật Bản, một nghi phạm có thể bị bắt giữ nhiều lần do các buộc khác nhau, cho phép các công tố viên tiến hành thẩm vấn trong một thời gian dài và thời hạn giam giữ đối với một nghi phạm là 22 ngày sau khi các công tố viên phát lệnh bắt giữ.