Ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo EU khởi động cuộc tìm kiếm lãnh đạo mới: Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tối 28/5 có cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) để khởi động cuộc tìm kiếm một thế hệ lãnh đạo hàng đầu của EU, sau cuộc bầu cử làm rung chuyển các liên minh truyền thống.
Vị trí quyền lực quan trọng bậc nhất là chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, người sẽ lãnh đạo và điều hành cơ quan quyền lực của liên minh với nhiệm kỳ 5 năm. Ông Jean-Claude Juncker hiện đang giữ chức vụ này.
Theo quy định của các hiệp ước EU, Hội đồng châu Âu gồm lãnh đạo 28 quốc gia thành viên sẽ chỉ định Chủ tịch Ủy ban châu Âu, sau đó Nghị viện mới gồm 751 thành viên sẽ xem xét phê chuẩn sự lựa chọn của họ.
Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin (giữa) đứng trước các container chứa rác thải nhựa tại cảng Klang ngày 28/5. (Ảnh: AFP)
Malaysia chuẩn bị 450 tấn rác để trả cho 7 quốc gia: "Chúng tôi kêu gọi các quốc gia phát triển ngừng chuyển rác tới đất nước của chúng tôi", Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin ngày 28/5 tuyên bố, nói thêm rằng đây là hành động "bất công và thiếu văn minh".
Bộ trưởng Yeo cho biết 450 tấn rác thải nhựa chứa trong 10 container sẽ được vận chuyển trở lại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Australia, Bangladesh và Arab Saudi. Tuy nhiên, thời gian gửi trả số rác này không được đề cập.
Số lượng nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2016, lên mức 870.000 tấn vào năm ngoái. Tình trạng này dẫn tới số nhà máy tái chế gia tăng nhanh chóng, nhưng nhiều cơ sở không có giấy phép và ít chú trọng tới các tiêu chuẩn về môi trường.
Malaysia tháng trước chuyển 5 container rác thải nhựa trở lại Tây Ban Nha. Họ cũng đang kiểm tra hơn 50 container và dự kiến xử lý triệt để vấn đề vào cuối năm nay.
Thủ tướng Kurz khi còn nắm quyền hồi năm 2018. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng trẻ nhất châu Âu bị phế truất: Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và chính phủ bảo thủ ngày 28/5 bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, chỉ vài ngày sau khi Phó thủ tướng Heinz-Christian Strache xin từ chức vì bê bối trao đổi với đối tác Nga để đổi lấy sự ủng hộ trong bầu cử quốc hội Áo hai năm trước.
Ông Sebastian Kurz, 32 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất châu Âu khi lên nắm quyền cuối năm 2017.
Đa số nghị sĩ quốc hội Áo bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Kurz, trong đó có cả các thành viên đảng Tự do Áo (FPO), vốn nằm trong liên minh cầm quyền của ông. Việc Phó thủ tướng Strache, cũng là lãnh đạo FPO, xin từ chức hôm 18/5 khiến Thủ tướng Kurz chấm dứt liên minh và lãnh đạo chính phủ thiểu số.
Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen cùng ngày thông báo Phó Thủ tướng Hartwig Loger thuộc đảng Nhân dân (OVP) sẽ tạm thời lãnh đạo Chính phủ Áo trong thời gian ngắn, cho đến khi tìm được người thay thế vị trí thủ tướng mới.
Việt Nam tăng hạng trong chỉ số quyền lực tại Châu Á
Việt Nam tăng hạng trong chỉ số quyền lực tại Châu Á: Sáng 28/5, Lowy - một trong những Viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Australia đã công bố chỉ số quyền lực tại Châu Á. Trong đó, Việt Nam được đánh giá tăng 1 bậc so với năm ngoái.
Trong bảng đánh giá chỉ số quyền lực tại Châu Á mà Viện nghiên cứu Lowy công bố sáng 28/5, Mỹ được đánh giá là quốc gia có nhiều quyền lực nhất tại khu vực này, tiếp đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga.
Trong bảng xếp hạng chỉ số quyền lực Châu Á của viện Lowy năm nay, thứ hạng của Việt Nam gia tăng một bậc so với năm ngoái, khi vượt lên đứng thứ 13 trong tổng số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Việt Nam cùng với Malaysia và New Zealand cũng được coi là 3 quốc gia tầm trung có nhiều tiến bộ nhất trong năm qua.
Theo đánh giá của viện Lowy, sở dĩ Việt Nam được thăng hạng so với năm ngoái là do Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong các kế hoạch mang tính chiến lược và kinh tế. Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ASEAN đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế và các mối quan hệ thương mại với khu vực. Việt Nam cũng được đánh giá cao về nguồn nhân lực cho tương lai.
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công tại thành phố Kawasaki, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Nhật yêu cầu đảm bảo an toàn cho học sinh sau vụ đâm dao: Ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu các quan chức chính phủ nhanh chóng có những biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trên đường đến trường, sau vụ tấn công bằng dao khiến 18 người thương vong, trong đó hai nạn nhân thiệt mạng gồm một nữ sinh lớp 6 và một người đàn ông 39 tuổi, xảy ra vào sáng cùng ngày.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe coi đây là vụ việc hết sức đau lòng, đồng thời chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân. Thủ tướng Abe cũng bày tỏ sự phẫn nộ khi biết tin các nạn nhân trong vụ việc hầu hết đều là trẻ em.
Do vậy, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập Chủ tịch Ủy ban An toàn quốc gia Junjo Yamamoto cùng Bộ trưởng Giáo dục Masahiko Shibayama, yêu cầu các quan chức này phải nhanh chóng có những biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trên đường đến trường và từ trường về nhà.