Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)
Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga: Tổng thống Mỹ ngày 1/2 tuyên bố Washington sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký với Liên Xô vào năm 1987.
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng phát đi nêu rõ, Nga từ lâu đã vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà không bị trừng phạt. Nga đang ngầm phát triển và bảo vệ một hệ thống tên lửa bị cấm, vốn gây ra mối đe dọa trực tiếp cho các đồng minh và quân đội Mỹ ở nước ngoài.
Ngày 2/2, Mỹ sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình, bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp ước INF và sẽ hoàn tất sau 6 tháng, trừ khi Nga trở lại tuân thủ hiệp ước này bằng cách phá hủy tất cả các tên lửa, bệ phóng và thiết bị đi kèm thuộc diện vi phạm.
Cảnh sát Venezuela. (Ảnh: AFP)
EU yêu cầu Venezuela lập tức thả 3 phóng viên nước ngoài: Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) ngày hôm 31/1 ở Romania, Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố, nhà chức trách Venezuela phải ngay lập tức thả 3 phóng viên nước ngoài và 1 tài xế bị bắt giữ.
Bà Mogherini bày tỏ tin tưởng, tất cả các phóng viên có thể thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền tác nghiệp của họ.
Các phóng viên này làm việc cho hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE và đây là những phóng viên mới nhất bị bắt giữ khi đưa tin về những nỗ lực do Mỹ hậu thuẫn nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Đại diện đặc biệt Mỹ Stephen Biegun. (Ảnh: SCMP)
Mỹ công bố chi tiết kỳ vọng trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Chính phủ Mỹ hôm 31/1 công bố chi tiết những kỳ vọng của nước này trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đặc biệt trong đó yêu cầu “một bản kê khai toàn bộ” kho vũ khí của Triều Tiên và một lộ trình nhằm giải giáp hạt nhân.
Đổi lại, Mỹ sẵn sàng ký tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, tái lập các mối quan hệ ngoại giao và thúc đẩy phát triển kinh tế Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như Mỹ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh khi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953 mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc muốn cùng Mỹ thỏa hiệp để đạt thỏa thuận thương mại trước 1/3: Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng hai bên sẽ cùng thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót 1/3 tới.
Bức thư này được công bố trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại nhà Trắng. Ông Lưu Hạc đang có chuyến thăm Washington để tìm cách đạt được một thỏa thuận nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bức thư, nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan hệ Trung- Mỹ đang trong giai đoạn "then chốt" và ông hy vọng "hai bên sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau."
Đáp lại, Tổng thống Trump cho hay ông sẽ sớm gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để tìm cách ký kết một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Trung. Phát biểu tại buổi tiếp quan chức Trung Quốc, Tổng thống Trump bày tỏ lạc quan rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa: Sputnik
Thượng viện Mỹ phản đối đề xuất rút quân khỏi Syria và Afghanistan: Thượng viện Mỹ ngày 31/1 đã bỏ phiếu thúc đẩy dự luật phản đối kế hoạch rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria và Afghanistan.
Với 68 phiếu thuận và 23 phiếu chống, bản dự thảo luật sửa đổi do lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, soạn thảo đã được thông qua. Dự luật kêu gọi nước Mỹ nên duy trì quân đội tại Syria và Afghanistan cho đến khi tất cả các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda bị đánh bại hoàn toàn. Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được bổ sung thêm vào dự luật an ninh Trung Đông dự kiến trình Thượng viện bỏ phiếu phê duyệt trong tuần tới.
Dự luật thừa nhận cuộc chiến chống khủng bố IS và al Qaeda tại Syria và Afghanistan đã có tiến bộ, nhưng cảnh báo việc rút quân đội Mỹ về nước mà không có những nỗ lực hiệu quả để bảo vệ những thành quả đã đạt được có thể gây bất ổn khu vực và tạo ra khoảng trống để Iran và Nga can thiệp.