Tổng thống Tayyip Erdogan và phu nhân Emine Erdogan chào người ủng hộ bên ngoài trụ sở AKP tại Ankara rạng sáng ngày 25/6. (Ảnh: Reuters)
Ông Erdogan tái cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Theo kết quả sơ bộ của Ủy ban bầu cử tối cao Thổ Nhì Kỳ, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng ngay trong vòng đầu, đạt gần 53% trong 99% số phiếu được kiểm.
Đáng chú ý là tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, tới 90%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 29/6.
Trước khi trở thành Tổng thống năm 2014, ông Erdogan đã có nhiều năm làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới, theo đó Tổng thống sẽ có quyền lực lớn. Bản hiến pháp nàyđược thông qua với tỷ lệ ủng hộ 51%.
Theo Hiến pháp mới, có hiệu lực kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24/6, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng trong nội các.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân dự khán trận đội nhà gặp Mexico tại vòng bảng World Cup 2018. (Ảnh: Firenews)
Tổng thống Moon Jae-in ngỏ ý Hàn Quốc - Triều Tiên đồng đăng cai VCK World Cup 2030: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 24/6 tuyên bố Hàn Quốc và Triều Tiên có thể liên danh chạy đua trở thành chủ nhà của Vòng chung kết FIFA World Cup năm 2030.
Ngồi bên cạnh Chủ tịch FIFA Gianni Infantino dự khán trận Hàn Quốc thất thủ 1-2 trước Mexico, Tổng thống Moon Jae-in đã tái khẳng định ý tưởng Hàn Quốc - Triều Tiên đồng đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2030. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ một nỗ lực chung của các nước Đông Bắc Á, cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, để làm chủ nhà của VCK World Cup.
Xe cấp cứu nạn nhân vụ nổ súng (Ảnh: TASS)
Xả súng tại trường đại học ở Nga, ít nhất 2 người bị thương: Ít nhất 2 người đã bị thương trong vụ xả súng tại một trường Đại học tại khu vực Ingushetia, thuộc vùng bắc Caucasus, Nga ngày 25/6.
Theo thông tin ban đầu, vụ nổ súng xảy ra tại trường Đại học Bách khoa Ingush giữa 2 nam thanh niên 17 và 18 tuổi. Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác cho biết, vụ việc xảy ra vào lúc 11 giờ sáng (theo giờ Nga) khi một nhóm đối tượng không rõ danh tính tới trường bằng 3 ô tô và sau đó xả súng vào đám đông.
Hiện cảnh sát Nga đã bắt đầu cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích nhằm vào IS tại Deir al-Zour, Syria. (Ảnh: AFP)
Quân đội Syria tái chiếm các khu vực rộng lớn gần biên giới Iraq: Quân đội Syria ngày 24/6 thông báo vừa tái chiếm các khu vực trải rộng trên diện tích 1.800 km2 từ tay IS tại miền Đông Syria, gần biên giới với Iraq.
Đây là một phần trong chiến dịch quân sự quy mô lớn do quân đội Syria phát động tại vùng sa mạc ở phía Đông đất nước, nơi quân đội vừa giải phóng một số vùng lãnh thổ rộng lớn trong những ngày gần đây.
Vào ngày 20/6 vừa qua, giới truyền thông Syria cho biết, quân đội Syria đã kiểm soát các khu vực trải dài hơn 4.500 km2 sau khi giao tranh khốc liệt với IS tại vùng nông thôn Deir al-Zour, tỉnh Homs và phía Nam thủ đô Damascus. Hầu hết các khu vực vừa được tái chiếm đều nằm trong vùng sa mạc của Syria.
Biểu tình phản đối thỏa thuận của Argentina với Quỹ tiền tệ quốc tế. (Ảnh: AFP)
Argentina tê liệt vì đình công phản đối thỏa thuận của chính phủ với IMF: Các nghiệp đoàn của Argentina đã làm tê liệt đất nước bởi một cuộc đình công kéo dài 24 giờ trong ngày 25/6 nhằm phản đối thỏa thuận giữa chính phủ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải cứu nền kinh tế nước này.
Dù Tổng liên đoàn lao động (CGT) chỉ kêu gọi một cuộc đình công, nhưng nhiều nhóm cực đoan đã tổ chức các cuộc tụ tập, chặn các ngả đường vào thủ đô Buenos Aires. Ban tổ chức đình công ước tính ít nhất một triệu công nhân đã tham gia cuộc đình công quy mô lớn này.
Các cuộc thăm dò dư luận trước đó cho thấy có tới 75% người dân Argentina phản đối mọi thỏa thuận với IMF, vốn gắn với những ký ức buồn về các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong quá khứ, mà đỉnh điểm là tình trạng vỡ nợ quốc gia năm 2001 mà nhiều người đổ lỗi cho IMF.