Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quốc hội Anh thông qua kế hoạch trì hoãn Brexit tới cuối tháng 6: Ngày 9/4, tiến trình đàm phán giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May và Công đảng đối lập vẫn chưa tạo kết quả đột phá và sẽ phải tạm hoãn cho tới sau thời điểm hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong ngày 10/4.
Trong một thông báo, người phát ngôn Chính phủ Anh cho hay cuộc gặp mới nhất giữa hai bên diễn ra trong ngày 9/4 đã đạt hiệu quả và toàn diện hơn, song chưa thể đảm bảo về một thỏa hiệp với Công đảng trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU.
Tuy nhiên, hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau vào ngày 11/5, khi EU đưa ra được quyết định về vấn đề Brexit.
Cùng ngày, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng May đối với EU về việc hoãn Brexit tới ngày 30/6, với tỷ lệ 420 phiếu thuận và 110 phiếu chống.
Động thái này được đánh giá sẽ gây áp lực hơn nữa cho Thủ tướng May, hiện đang công du Đức và Pháp trước thềm hội nghị của EU để kêu gọi sự ủng hộ cho bà thêm thời gian nhằm tìm kiếm một kế hoạch Brexit mới có thể nhận được đa số ủng hộ tại Anh.
Quốc kỳ Triều Tiên (trái) và Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)
Nhật Bản quyết định kéo dài lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên: Ngày 9/4, nội các Nhật Bản chính thức thông qua việc kéo dài thời hạn trừng phạt đối với Triều Tiên.
Theo đó, Nhật Bản đã quyết định kéo dài lệnh cấm thương mại và các lệnh trừng phạt khác đối với Triều Tiên thêm 2 năm nữa. Lệnh cấm thương mại đối với Triều Tiên cũng như lệnh cấm các tàu Triều Tiên và những tàu nước ngoài đã ghé cảng Triều Tiên vào cảng của Nhật, sẽ kết thúc vào ngày 13/4 tới.
Các biện pháp này là một phần trong những lệnh trừng phạt đơn phương của Nhật Bản áp dụng từ năm 2006 để đáp lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng như nhằm hối thúc nước này giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc.
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eric Swalwell. (Ảnh: Getty Images)
Thêm một thành viên đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ: Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eric Swalwell (tiểu bang California) đã chính thức tham gia vào cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2020.
Trong chương trình The late show with Stephen Colbert vào tối ngày 8/4 (giờ Mỹ), ông Swalwell đã tuyên bố tranh cử Tổng thống năm 2020.
Việc ông Swalwell quyết định tham gia vào cuộc chạy đua đông đảo của đảng Dân chủ đã được dự đoán từ nhiều tháng nay.
Tuần trước, ông Swalwell đã tiết lộ kế hoạch cho cuộc chạy đua của mình, trong đó chính sách được ông tập trung trong chiến dịch này chủ yếu liên quan đến vấn đề kiểm soát súng đạn.
Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống mức 3,3%: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 9/4 đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%.
Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, định chế tài chính này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.
Trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với "thời điểm nhạy cảm", bị tác động bởi những nguy cơ như sự phục hồi kinh tế yếu trong bối cảnh xuất hiện nhiều căng thẳng thương mại, Brexit và các yếu tố khác.
Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng lên mức 3,6% trong năm 2020, nhờ những nhân tố tích cực, trong đó phải kể đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại lễ duyệt binh ở Tehran ngày 22/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Iran bảo vệ IRGC sau khi Mỹ liệt vào danh sách khủng bố: Theo Reuters, ngày 9/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng bảo vệ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), coi đây là lực lượng bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo, một ngày sau khi Mỹ liệt nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Trong một bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, ông Rouhani nêu rõ: "IRGC đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ người dân, bảo vệ cuộc cách mạng (Hồi giáo 1979) của chúng ta... Ngày hôm nay Mỹ, quốc gia ôm mối ác cảm với IRGC, đã đưa nhóm này vào danh sách đen."
Trong một phản ứng ngược lại, cùng ngày, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia cho biết, nước này hoan nghênh quyết định của Mỹ liệt IRGC là tổ chức khủng bố quốc tế. SPA nêu rõ: "Quyết định của Mỹ diễn giải đúng đòi hỏi bấy lâu nay của Vương quốc Saudi Arabia đối với cộng đồng quốc tế, đó là cần phải đối đầu với chủ nghĩa khủng bố do Iran hậu thuẫn."