Binh sĩ Mali gác tại hiện trường một vụ tấn công ở Gao ngày 13/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tấn công nhằm vào cộng đồng thiểu số ở Mali khiến 100 người thiệt mạng: Ngày 10/6, giới chức Mali cho biết khoảng 100 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công trong đêm nhằm vào ngôi làng của cộng đồng người Dogon.
Trao đổi với báo giới, một quan chức địa phương cho biết các tay súng đã tấn công vào làng Sobane-Kou, nằm ở miền Trung Mali. Quan chức này xác nhận 95 dân thường đã thiệt mạng và hiện giới chức tiếp tục tìm kiếm những người khác. Nguồn tin an ninh tại hiện trường vụ thảm sát cho hay ngôi làng này gần như bị xóa sổ hoàn toàn.
Kể từ tháng 1 vừa qua, các cuộc xung đột giữa cộng đồng người Dogon và Fulani tại Mali đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hai tộc người này có mối hiềm khích dai dẳng và thường xuyên tấn công lẫn nhau.
Một binh sỹ New Zealand ở Iraq. (Ảnh: theaustralian.com.au)
New Zealand lên kế hoạch rút quân khỏi Iraq vào năm tới: Ngày 10/6, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo kế hoạch rút quân đội nước này khỏi Iraq vào năm tới, qua đó chấm dứt hoạt động hỗ trợ huấn luyện cho các lực lượng an ninh nước sở tại trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Ardern cho hay trong vòng 12 tháng tới, New Zealand sẽ giảm dần số binh sỹ và kết thúc cam kết của nước này tại Iraq.
Hiện tại, có 95 binh sỹ New Zealand ở Iraq. Số binh sỹ này được triển khai tại Iraq từ năm 2015 tham gia sứ mệnh huấn luyện chung với Australia nhằm hỗ trợ liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Theo lộ trình, New Zealand sẽ duy trì tối đa 75 binh sỹ từ tháng 7 tới, sau đó số binh sỹ sẽ giảm xuống còn 45 người từ tháng 1/2020 trước khi sứ mệnh quân sự của nước này kết thúc vào tháng 6/2020.
Một cuộc tập trận của NATO. (Ảnh: Reuters)
Hơn 8.000 binh sỹ từ 18 nước NATO bắt đầu tập trận ở biển Baltic: Ngày 9/6, hơn 8.000 binh sỹ từ 18 quốc gia thuộc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu cuộc tập trận hải quân thường niên có tên BALTOPS tại biển Baltic.
Cuộc tập trận năm nay do quân đội Mỹ dẫn đầu, với mục tiêu thể hiện năng lực phòng thủ của NATO trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ chỉ huy cuộc tập trận, với sự tham gia của binh sỹ cùng 50 tàu và 40 máy bay đến từ các nước Bỉ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Vương quốc Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Estonia, Phần Lan và Thụy Điển. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 21/6.
Người dân dùng quạt để tránh nóng tại Kolkata, Ấn Độ, ngày 8/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ đô của Ấn Độ ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục 48 độ C: Theo cơ quan dự báo thời tiết Skymet Weather, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã lên mức 48 độ C trong ngày 10/6. Đây là mức nhiệt cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận tại thủ đô của Ấn Độ.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, giới chức cơ quan trên viết: "New Delhi ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử. Lập kỷ lục cao chưa từng thấy ở mức 48 độ C. Đây là mức nhiệt nóng nhất trong tháng 6."
Trong khi đó, nhiều bang tại Ấn Độ đã phải trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng kéo dài hơn một tuần qua với nền nhiệt đo được tại nhiều bang vượt quá 50 độ C. Tuần trước, nhiệt độ tại thị trấn Rajasthan, quận Churu, bang Rajasthan, đã chạm mốc 50,3 độ C, trong khi nhiều nơi ở miền Bắc Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi, cũng ghi nhận mức nhiệt 46 độ C. Nắng nóng kéo dài đã làm các mạch nước ngầm cạn kiệt. Thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ẩu đả vì tranh chấp nguồn nước khiến 1 người thiệt mạng.
Nhiệt độ tại miền Nam Ấn Độ có phần dịu mát hơn do xuất hiện những cơn mưa gió mùa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ cảnh báo áp thuế nếu Mexico thay đổi lập trường với thỏa thuận di cư: Ngày 10/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đã ký bổ sung một nội dung trong thỏa thuận di cư và an ninh với Mexico và thỏa thuận này sẽ cần có sự thông qua của Quốc hội Mexico.
Mặc dù không nêu rõ chi tiết, song Tổng thống Trump cảnh báo sẽ áp thuế nếu Quốc hội Mexico không phê chuẩn kế hoạch trên. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ đã ký và đưa vào thỏa thuận di cư và an ninh với Mexico thêm một phần quan trọng nữa. Theo ông, đây là nội dung mà Mỹ đã đòi hỏi trong suốt nhiều năm và sẽ sớm được công bố. Nội dung này sẽ cần có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp Mexico. Ông nhấn mạnh dù không mong chờ bất kỳ rào cản nào tại cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Mexico, song nếu kế hoạch không được phê chuẩn, Washington sẽ tái áp đặt thuế quan với nước này.
Ngày 7/6 vừa qua, Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận về di cư, qua đó Mexico tránh được việc bị Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất sang nước láng giềng này. Theo thỏa thuận, Mexico sẽ triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới khu vực biên giới phía Nam giáp Guatemala để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ, cũng như tiếp nhận những người di cư chờ xin tị nạn vào Mỹ. Ngoài ra, Mexico cũng sẽ triển khai một chương trình tạo việc làm và bảo vệ quyền con người đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ.