Thế giới ngày qua: Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất; Nga đón con cái của các phần tử khủng bố IS hồi hương... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 18/2 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha (trái) trong chuyến thăm Mukdahan, Thái Lan, ngày 6/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất: Kết quả thăm dò mới nhất của Viện thăm dò dư luận NIDA (Nida Poll), cho biết đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hiện là ứng cử viên được "ưa thích nhất" cho vị trí đứng đầu chính phủ thành lập sau bầu cử.

Tuy nhiên, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) ủng hộ cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra lại là chính đảng nhận được nhiều sự ủng hộ nhất.

Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 4-7/2, với gần 2.100 người trên 18 tuổi, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Thái Lan, cho thấy Tướng Prayut dẫn đầu với 26,06% số người ủng hộ và ứng cử viên của Pheu Thai, bà Sudarat Keyuraphan về thứ hai với 24,01% ủng hộ.

Thế giới ngày qua: Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất

Trong khi chính phủ nhiều nước còn băn khoăn, Nga đã tiên phong đưa hàng chục trẻ em là con của các tay súng IS gốc Nga về quê hương. (Ảnh: AFP)

Nga đón con cái của các phần tử khủng bố IS hồi hương: Nga đã trở thành nước tiên phong đưa hàng loạt con cái của IS hồi hương. Theo hãng thông tấn Pháp AFP, việc hồi hương các phụ nữ nước ngoài bỏ trốn sang Syria để làm “cô dâu thánh chiến” cùng với con cái của họ - những đứa trẻ được sinh ra tại Syria – đã trở thành chủ đề tranh cãi tại Nga, với việc một số quan chức an ninh đánh giá họ là những mối đe dọa tiềm tàng.

Đầu tháng Hai, 27 trẻ em ở độ tuổi từ 4-13 đã được đưa từ Iraq về Moskva. Trước đó, 30 đứa trẻ khác đã được đưa về nước cuối tháng 12/2018. Sau các cuộc kiểm tra sức khỏe, chúng sẽ được trao trả cho những người thân trong gia đình tại vùng Bắc Caucasus chăm sóc. Đây là khu vực tập trung đông người Hồi giáo ở phía Nam nước Nga và cũng là nơi có nhiều người Nga gia nhập hàng ngũ khủng bố IS nhất.

Thế giới ngày qua: Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất

Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn phát biểu trong cuộc họp Hạ viện tại thủ đô London ngày 15/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bảy nghị sĩ tách khỏi Công đảng Anh do "thất bại" Brexit: Ngày 18/2, 7 nghị sĩ của Công đảng đối lập Anh đã tuyên bố tách khỏi đảng với lý do lãnh đạo đảng đã thất bại trong vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, tư tưởng bài Do Thái và văn hóa chèn ép trong nội bộ.

Nhóm nghị sĩ này tự gọi mình là "Nhóm Độc lập". Trong số này có nghị sĩ Chuka Umunna, từng được xem là ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo Công đảng và nghị sĩ Luciana Berger, người từng có quan điểm thẳng thắn về xu hướng bài Do Thái của đảng.

Phát biểu tại họp báo, bà Luciana Berger nhấn mạnh quyết định này dù rất khó khăn và đáng buồn, song nó thực sự cần thiết. Về phần mình, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã bày tỏ thất vọng về quyết định trên.

Thế giới ngày qua: Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất

Cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen trong cuộc họp báo bên ngoài cơ quan cảnh sát ở Male ngày 8/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Maldives phát lệnh bắt cựu tổng thống vì tội rửa tiền: Ngày 18/2, giới chức Maldives đã phát lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Abdulla Yameen với cáo buộc ông này phạm tội rửa tiền.

Lệnh bắt giữ trên được đưa ra sau một phiên tòa bắt đầu quy trình tố tụng với cáo buộc ông Yameen đã nhận khoản tiền 1,5 triệu USD không rõ nguồn gốc ngay trước thời điểm ông này thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9/2018. Theo lệnh bắt, ông Yameen sẽ bị đưa tới đảo nhà tù Dhoonidhoo, gần thủ đô Male.

Hiện tòa án đã ra lệnh đóng băng 6,5 triệu USD tiền gửi trong mọi tài khoản ngân hàng trong nước của ông Yameen. Tuy nhiên, giới chức Maldives tin rằng hàng triệu USD đã bị ông Yameen tẩu tán ra nước ngoài và hiện giới chức nước này đang thương lượng với các ngân hàng nước ngoài để thu hồi nếu phát hiện vi phạm.

Thế giới ngày qua: Thủ tướng Thái Lan là ứng cử viên được ưa thích nhất

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Reuters)

Nhật Bản từ chối bình luận về đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình: AP đưa tin, ngày 18/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chánh Văn phòng Nội các nước này đều từ chối cho biết liệu ông Abe có đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình hay không, dù họ đã ca ngợi nhà lãnh đạo Mỹ về đối thoại với Triều Tiên.

Khi được hỏi tại Quốc hội về thông tin nói rằng ông từng làm như vậy, Thủ tướng Abe đáp: "Theo chính sách của Ủy ban Nobel là không tiết lộ về người đề cử và người được đề cử trong 50 năm qua, tôi từ chối bình luận (về điều này)."

Cả Thủ tướng Abe và người phát ngôn của ông đều không phủ nhận phát biểu của Tổng thống Trump với phóng viên hôm 15/2 rằng ông Abe đã đề cử mình. Tổng thống Trump cho hay, Thủ tướng Abe đã gửi cho ông một "bản sao đẹp" của bức thư mà ông ấy đã gửi cho Ủy ban Nobel.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Thủ đô của Mỹ đang trải qua không khí bình lặng nhưng đầy căng thẳng với các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm phòng ngừa bạo loạn trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Những ký ức từ cuộc bạo loạn tại toà nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021 vẫn ám ảnh người dân, khiến nhiều cư dân chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất.