Tổng thống Nga Putin (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AP)
Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên có thể diễn ra tại Nga tuần này: Theo hãng tin Yonhap, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này khi ông Putin tới vùng Viễn Đông trong hành trình dự một hội nghị thượng đỉnh Vành đai Con đường lần 2 ở Trung Quốc.
Hãng tin Yonhap cho biết, Tổng thống Nga Putin sẽ tham dự diễn đàn "Vành đai, Con đường" tại Trung Quốc trong các ngày 26 và 27/4. Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể được tổ chức vào thời điểm 1 hoặc 2 ngày trước hoặc ngay sau sự kiện đó. Cũng theo hãng tin này, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên sẽ được tổ chức tại thành phố Vladivostok.
Hiện Nga vẫn chưa khẳng định khi nào cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ diễn ra. Tuy nhiên, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang được tích cực chuẩn bị.
Nhà thờ Đức bà Paris bốc cháy dữ dội. (Ảnh: CNBC News)
Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, Tổng thống Pháp Macron đến hiện trường: Khoảng 19h tối ngày 15/4 (giờ địa phương), Nhà thờ Đức Bà - địa danh nổi tiếng tại trung tâm Thủ đô Paris của Pháp đã xảy ra vụ cháy lớn.
Theo CNN, ngay khi có tin xảy ra đám cháy dữ dội, Tổng thống Pháp Macron đã cùng với Thị trưởng Anne Hidalgo, Thủ tướng Edouard Philippe, đệ nhất phu nhân Brigitte Macron và công tố viên Paris có mặt tại hiện trường. Theo Bộ Nội vụ Pháp, 400 lính cứu hỏa đã được huy động để đối phó với ngọn lửa đang thiêu đốt Nhà thờ Đức Bà.
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn chưa được làm rõ, tuy nhiên, theo lực lượng cứu hỏa, vụ việc nhiều khả năng liên quan đến công tác sửa chữa được tiến hành bên trong khu vực này.
Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) là một nhà thờ công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic nằm giữa Paris. Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Hàng năm thu hút một lượng khách du lịch tham quan trung bình lên tới 13 triệu lượt người.
Các binh sỹ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. (Ảnh: North Korea Times)
Mỹ chính thức coi IRGC là tổ chức khủng bố nước ngoài: Theo một thông báo được đăng trên tạp chí Federal Register của Mỹ ngày 15/4, Washington đã chính thức coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tinh nhuệ là một tổ chức khủng bố nước ngoài.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ thực hiện động thái mang tính biểu tượng nhưng chưa từng có tiền lệ nêu trên.
Động thái này lập tức đã bị Iran lên án và làm dấy lên lo ngại về các vụ tấn công trả đũa nhằm vào các lực lượng Mỹ.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là lực lượng phụ trách các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran. Lực lượng này cũng liên quan đến các lĩnh vực ngân hàng và vận tải biển của Iran.
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) tới tòa án ở Kuala Lumpur ngày 3/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Malaysia nối lại phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak: Ngày 15/4, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak ra tòa trong phiên xử thứ hai tại Tòa Thượng thẩm ở Thủ đô Kuala Lumpur về các cáo buộc tham nhũng liên quan vụ bê bối Quỹ Đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB).
Phiên xét xử sẽ tập trung vào các chi tiết kỹ thuật liên quan các khoản tiền thất thoát từ quỹ 1MDB.
Trước đó, trong phiên xét xử đầu tiên ngày 3/4, cựu Thủ tướng Najib đối mặt với 7 tội danh được cho là giúp ông "bỏ túi" 42 triệu ringgit (khoảng 10,3 triệu USD) lấy từ Quỹ 1MDB, trong đó có các tội lợi dụng tín nhiệm, tham nhũng và rửa tiền. Đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền mà ông Najib bị buộc tội đánh cắp từ quỹ này.
Theo các công tố viên, ông Najib cùng những người thân cận đã lấy hàng tỉ USD từ Quỹ 1 MDB để chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân như các bất động sản cao cấp, các tác phẩm nghệ thuật và một du thuyền sang trọng.
Cử tri Thái Lan bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Bangkok ngày 24/3. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ủy ban Bầu cử Thái Lan ấn định hạn chót bỏ phiếu lại: Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) cho biết đã nhận được hơn 326 đơn khiếu nại liên quan đến những người có khả năng thắng cử tại 66 khu vực bỏ phiếu kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24/3.
Thông báo của EC cho biết, trước mắt ủy ban này sẽ tiến hành điều tra những cáo buộc, sau đó nếu có vi phạm sẽ tổ chức bầu lại.
Theo Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong, việc bầu lại tại những khu vực bỏ phiếu nếu có vi phạm xảy ra phải được tiến hành trước Lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan dự kiến diễn ra từ 4 - 6/5.
Hạn chót để EC tổ chức bất kỳ cuộc bỏ phiếu lại nào là 28/4. Theo Hiến pháp mới của Thái Lan, Quốc hội phải triệu tập phiên họp đầu tiên trong vòng 15 ngày kể từ khi kết quả kiểm 95% số phiếu bầu được chính thức công bố vào ngày 9/5.