Đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa. (Ảnh: Reuters)
Tòa án Hiến pháp Zimbabwe xác nhận chiến thắng của ông Mnangagwa: Ngày 24/8, Tòa án Hiến pháp Zimbabwe đã đưa ra phán quyết cuối cùng, bác bỏ đơn khiếu nại của đảng Phong trào vì Sự thay đổi Dân chủ (MDC) đối lập và công nhận kết quả bầu cử tổng thống tại nước này hôm 30/7 vừa qua với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa của đảng Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền.
Sau 2 ngày nghe tranh luận và xem xét bằng chứng của các bên liên quan, Tòa án Hiến pháp Zimbabwe, với sự tham dự của tất cả 9 thành viên và được truyền hình trực tiếp, đã ra phán quyết cuối cùng, khép lại tranh cãi chính thức về kết quả bầu cử tổng thống của nước này.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Zimbabwe là quyết định cuối cùng và không thể bị kháng nghị. Theo quy định của Hiến pháp Zimbabwe, Tổng thống đắc cử Mnangagwa có thể tuyên thệ nhậm chức sau 48 giờ kể từ khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết công nhận kết quả bầu cử đã công bố.
Tân Thủ tướng Australia Scott Morrision tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Skynews)
Thủ tướng mới của Australia tuyên thệ nhậm chức: Ngày 24/8, cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại Australia đã kết thúc khi Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrision được bầu làm Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền và trở thành Thủ tướng mới của Australia.
Theo kết quả cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng Tự do của Australia diễn ra vào trưa 24/8 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Morrision đã nhận được 45 phiếu bầu và trở thành lãnh đạo mới của đảng này. Đối thủ của ông Morrision trong cuộc bỏ phiếu này là cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, người đã thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Turnbull, giành được 40 phiếu.
Ngay trong tối 24/8 (theo giờ địa phương), ông Scott Morrision đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 30 của Australia.
Cuộc đoàn tụ xúc động hôm 22/8. (Ảnh: Reuters)
Hàn Quốc - Triều tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán thứ 2: Ngày 24/8, các gia đình Hàn Quốc có người thân bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã tới khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương để tham gia đợt đoàn tụ thứ 2. Cũng giống như đợt 1 kết thúc hôm 22/8, đợt thứ 2 này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 24-26/8.
81 người Hàn Quốc, phần lớn đã ở độ tuổi trên 80 đã khởi hành bằng xe buýt từ thành phố ven biển Sokcho, Đông Bắc Hàn Quốc, để gặp người thân ở Triều Tiên mà họ chưa có cơ hội gặp lại kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, vốn chỉ kết thúc bằng một Hiệp định đình chiến thay vì một Hiệp ước hòa bình.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị bắt giữ. (Ảnh: AP)
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị tăng án lên 25 năm tù: Tòa Thượng thẩm Seoul ngày 24/8 tuyên án cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye 25 năm tù và phải nộp phạt 18 triệu USD, tăng thêm một năm tù so với mức án đưa ra hồi tháng 4, theo Yonhap.
Bà Park Geun-hye, 66 tuổi, không xuất hiện trong phiên tòa để nghe phán quyết.
Tòa cũng tuyên án 20 năm tù đối với bạn thân của Park là Choi Soon-sil, người bị cáo buộc cùng Park nhận 77,4 tỷ won (69 triệu USD) từ các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte để chuyển cho gia đình Choi và tài trợ các tổ chức phi lợi nhuận mà Choi sở hữu. Cựu trợ lý chính sách của Park Geun-hye là Ahn Jong-beom lĩnh án 6 năm tù.
Yulia Skripal xuất hiện trước truyền thông ở Anh hồi tháng 5. (Ảnh: AFP)
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Nga có hiệu lực từ tuần sau: Mỹ từ ngày 24/8 áp đặt thêm trừng phạt với Nga vì cáo buộc nước này liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.
Mỹ sẽ dừng bán một số vũ khí và một số hoạt động tài chính với Nga, cũng như cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ nhạy cảm về an ninh, trong đó có thiết bị điện tử đa mục đích. Biện pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 27/8.
Washington đã thông báo về lệnh trừng phạt này từ ngày 8/8, nói rằng đây là phản ứng trước việc Moskva bị cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh chống lại cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal tại Anh.