Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thăm một khu dân cư ở Bangkok, ngày 15/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân Thái lập liên minh với 5 đảng nhỏ: Ngày 4/6, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) đã công bố liên minh với 5 đảng nhỏ khác ủng hộ chiến dịch thành lập một chính phủ mới do PPRP lãnh đạo với Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha sẽ tiếp tục duy trì quyền lực.
Theo đó, đảng PPRP đã tuyên bố liên minh với đảng Liên minh hành động vì nước Thái, đảng Chartpattana, đảng Quyền lực địa phương Thái, đảng Phục hồi đất và rừng nước Thái và đảng Cải cách nhân dân.
Sáu đảng trong liên minh do PPRP dẫn đầu có tổng số 130 ghế, thấp hơn nhiều so với con số 251 cần thiết để thành lập một chính phủ nắm thế đa số ở Hạ viện gồm 500 thành viên.
Chủ tịch Uttama Savanayana của đảng PPRP xác nhận liên minh sẽ đề cử Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha tiếp tục giữ chức thủ tướng trong chính phủ mới.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh đảng Dân chủ tổ chức cuộc họp để quyết định lập trường chính trị trước phiên họp hỗn hợp lưỡng viện khởi động tiến trình bầu thủ tướng mới vào ngày 5/6.
Julian Assange xuất hiện trên ban công đại sứ quán Ecuador ở London, Anh tháng 5/2017. (Ảnh: AFP)
Tòa án Thụy Điển bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks: Tòa án khu vực Uppsala của Thụy Điển ngày 3/6 đã bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange liên quan đến cáo buộc xâm hại tình dục. Động thái này được cho là sẽ gây khó khăn cho các công tố viên Thụy Điển trong việc yêu cầu dẫn độ ông từ Anh.
Trong một tuyên bố, tòa cho biết có chung nghi ngờ với các công tố viên về việc ông Assange đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục và cưỡng hiếp, cũng như nhà sáng lập WikiLeaks có thể sẽ không xuất hiện hoặc bằng cách nào đó lẩn trốn việc tham gia điều tra. Tuy nhiên, phán quyết của tòa lại nghiêng về luật sư của ông Assange, cho rằng việc ra lệnh bắt giữ là không "hợp lý". Tòa án khu vực Uppsala lý giải rằng hiện ông Assange đang bị giam giữ ở Anh, vì vậy, có thể tiến hành quá trình khởi tố và điều tra theo các cách khác.
Phán quyết trên của tòa đồng nghĩa với việc công tố viên không thể thúc đẩy việc ra lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu nhằm yêu cầu dẫn độ ông Assange về Thụy Điển. Phó Tổng công tố Thụy Điển Eva-Marie Persson cho biết vẫn chưa quyết định có kháng cáo hay không và quá trình điều tra vẫn tiếp tục. Bà sẽ ra lệnh điều tra châu Âu để thẩm vấn ông Assange, song không cho biết cuộc thẩm vấn sẽ được tiến hành ở đâu. Về phần mình, luật sư của ông Assange đã hoan nghênh phán quyết trên của tòa.
Cảnh sát khống chế nghi phạm xả súng tại thành phố Darwin, Australia. (Ảnh: Adelaide now)
Xả súng ở Australia, 4 người thiệt mạng: Ít nhất 4 người thiệt mạng và 2 người bị thương trong vụ xả súng tại thành phố Darwin, Australia vào 18h (giờ địa phương) ngày 4/6. Nghi phạm, một người đàn ông da trắng 45 tuổi, đã bị bắt và cảnh sát tin rằng y chỉ hành động một mình.
Các nhân chứng cho biết nghi phạm bước vào một nhà nghỉ và bắn khoảng 20 phát súng, sau đó bỏ trốn khỏi hiện trường nhưng bất thành. Một nhân chứng tên John Rose kể lại rằng nghi phạm vào từng phòng tìm người để xả súng và tỏ ra khá bình tĩnh khi hành động.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã liên lạc với chính quyền địa phương và cho biết đây không phải là một vụ tấn công khủng bố. "Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc và sự cảm thông tới tất cả người dân trong khu vực, đặc biệt là ở Darwin. Đây là một cộng đồng rất gắn bó và tôi biết họ sẽ bị sốc sau sự cố này", ông Morrison phát biểu. Giới chức dự kiến xét xử nghi phạm vào hôm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp khẳng định 31/10 là hạn chót để Anh rời EU: Ngày 3/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chấp nhận bị xem là người "cứng nhắc" để bảo vệ việc chỉ gia hạn tiến trình Anh rời Liên minh châu ÂU (EU) - Brexit - trong khoảng thời gian ngắn, đồng thời khẳng định ngày 31/10 tới là thời hạn cuối cùng để hoàn tất Brexit.
Ông Macron cho rằng ngày 31/10 nên là hạn cuối vì ông không muốn Ủy ban châu Âu (EC) mới phải tiếp tục phải xử lý một vấn đề cũ. Không chỉ cảnh báo việc mở lại đàm phán một thỏa thuận Brexit không có triển vọng thành công mà Tổng thống Pháp còn bày tỏ lo ngại Anh khó có thể thông qua một thỏa thuận Brexit mà không tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn hoặc đưa thỏa thuận đã đạt được ra trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, ông Macron cũng để ngỏ khả năng các lãnh đạo EU có thể sẽ sẵn sàng cho Anh thêm thời gian nếu quốc gia này cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác về vấn đề này hoặc sẵn sàng thỏa thuận "một điều gì đó hoàn toàn mới". Tổng thống Pháp khẳng định cho tới những giây phút cuối, chỉ có Chính phủ Anh mới có thể dừng tiến trình Brexit.