Cặp ứng viên số 01 Tổng thống Joko Widodo và Maruf Amin tuyên bố thắng cử. (Ảnh: Tribunnews)
Tổng thống Indonesia tuyên bố thắng cử, đối thủ từ chối kết quả: Theo kết quả của Ủy ban bầu cử Indonesia đưa ra hôm 21/5, với số phiếu 55,50%, cặp ứng viên số 01 Đương kim Tổng thống Joko Widodo - Maruf Amin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử đồng thời đầu tiên của Indonesia với cách biệt 10%. Sau khi kết quả được công bố, Đương kim Tổng thống Indonesia và đối thủ của ông đã có những phát ngôn chính thức ngay sau đó.
“Tôi và ông Maruf Amin cảm ơn sự tin tưởng của toàn thể nhân dân và niềm tin này sẽ được hiện thực hóa bằng các chương trình xây dựng công bằng và dân chủ. Chúng tôi sẽ là những nhà lãnh đạo với 100% công lý thuộc về nhân dân, vì sự hòa bình thịnh vượng của đất nước, vì thế hệ con cháu mai sau của chúng ta”, Tổng thống Joko Widodo nói trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng tại Jakarta.
Trong khi đó, đối thủ của ông, cặp ứng viên số 02 Prabowo Subianto và Sandiaga Uno cũng đã có buổi họp báo không công nhận kết quả của Ủy ban bầu cử và gọi đây là một kết quả “kỳ lạ”.
“Chúng tôi - cặp ứng viên số 02 hoàn toàn không công nhận kết quả kiểm phiếu được đưa ra bởi Ủy ban bầu cử vì sự gian lận đã xảy ra”, ông Prabowo Subianto nói và cho biết cặp sẽ gửi đơn khiếu nại lên Tòa hiến pháp Indonesia.
Quan hệ giữa Mỹ - Iran căng thẳng trong thời gian qua. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ đã rút lại những lời đe dọa đối với Iran: Trong một phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình Iran hôm 21/5, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh, chính sự đoàn kết của người dân và đất nước Iran đã làm thay đổi quyết định của ông Trump trong việc tuyên chiến với Iran.
Tuyên bố của Tổng thống Iran đưa ra trong bối cảnh những ngày qua, Nhà Trắng đã phát đi nhiều tín hiệu trái ngược, truyền thông Mỹ đưa tin nội các của Tổng thống Donald Trump đang bất đồng về cách thức xử lí vấn đề Iran. Mới đây nhất, hôm 19/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước Mỹ và Iran ngày càng leo thang.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Iraq Adel Abdul hôm nay cho biết sẽ cử phái đoàn tới cả Mỹ và Iran nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Venezuela kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn: Ngày 20/5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro một lần nữa đề xuất tổ chức trước thời hạn cuộc bầu cử quốc hội như một cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội trầm trọng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này.
Phát biểu trong một buổi mít tinh ở Dinh Tổng thống Miraflores, ông Maduro kêu gọi phe đối lập tham gia vào cuộc bầu cử này để hợp pháp hóa thể chế nhà nước duy nhất còn đang gây tranh cãi trong những năm qua sau khi Tòa án Công lý Tối cao (TSJ) buộc phải ra phán quyết không công nhận vai trò của cơ quan lập pháp này vì những vi phạm hiến pháp hồi năm 2017 và quyền lực được chuyển giao cho Quốc hội lập hiến.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày Quốc hội lập hiến Venezuela đã thông qua nghị quyết kéo dài hoạt động thêm 1,5 năm nữa cho tới ngày 31/12/2020 để tiếp tục thực hiện vai trò và nhiệm vụ thay thế cho Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã bị tước quyền hoạt động.
Ô tô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 31/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu: Ngày 21/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, hối thúc các chính phủ giải quyết tranh chấp thương mại, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu.
Cụ thể, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ mức 3,3% xuống 3,2%. Trong một tuyên bố, OECD nhấn mạnh các chính phủ cần hành động khẩn cấp để phục hồi tăng trưởng. Tranh chấp thương mại cần được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế và cải thiện hệ thống dựa trên luật định quốc tế. Theo OECD, các nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số và kỹ năng nhằm đáp ứng các thách thức trong tương lai. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OCED cho rằng chính sách cơ cấu và tài chính cần được kết hợp để thúc đẩy hoạt động.
OECD cho rằng còn nhiều điều chưa chắc chắn về thời gian áp thuế và tương lai mối quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất, OECD không tính những rủi ro này vào tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Hàn Quốc-Mỹ tìm cách thức nối lại đàm phán với Triều Tiên: Ngày 21/5, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cho biết Hàn Quốc và Mỹ đang cân nhắc "nhiều cách khác nhau" để nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa hiện đang đình trệ với Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn Yonhap, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Seoul, ông Kim Yeon-chul nêu rõ: "Về tổng thể tình hình đang tạm lắng, song chúng tôi đang nỗ lực bằng các cách khác nhau để nối lại đàm phán. Hàn Quốc và Mỹ cũng chia sẻ quan điểm cần phải giữ tình hình trong tầm kiểm soát". Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc không cho biết cụ thể "các cách khác nhau" là gì.
Đàm phán phi hạt nhân hóa đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không có thỏa thuận, do hai bên không tìm được tiếng nói chung về phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng cũng như việc nới lỏng trừng phạt của Washington.