Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ ngày 30/6. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau lần 3: 15h46 chiều 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua gờ bê tông đánh dấu ranh giới liên Triều ở Khu Phi quân sự (DMZ), tiến 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên. Người mỉm cười bên cạnh ông Trump là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Thật tốt khi gặp lại ngài", ông Kim nói với ông Trump. "Tôi chưa từng nghĩ sẽ gặp ngài ở nơi này". "Khoảnh khắc lớn, khoảnh khắc lớn", ông Trump đáp.
Sau khoảng một phút đứng trên lãnh thổ Triều Tiên, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở lại giới tuyến và đi vào lãnh thổ Hàn Quốc. Cả hai trả lời ngắn báo chí trước khi vào Nhà Tự do để thảo luận riêng. Ông Trump cho biết ông sẽ mời ông Kim Jong-un tới Nhà Trắng.
Cuộc gặp Trump - Kim ở DMZ ban đầu được lên kế hoạch là một cuộc chào hỏi ngắn, không phải một cuộc đàm phán chính thức nhưng cuối cùng nó kéo dài khoảng 80 phút. Sau cuộc trò chuyện riêng khoảng 50 phút, Tổng thống Trump cho biết ông và ông Kim nhất trí cử giới chức đôi bên nối lại đàm phán hạt nhân trong 2-3 tuần nữa. Phái đoàn Mỹ sẽ tiếp tục do đặc phái viên Stephen Biegun dẫn đầu, chưa rõ phía Triều Tiên cử ai.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker. (Ảnh: politico)
Liên minh châu Âu họp Thượng đỉnh bất thường để tìm lãnh đạo: Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm 30/6 tiến hành cuộc họp Thượng đỉnh bất thường tại Brussels nhằm đưa ra lựa chọn cuối cùng về các chức danh lãnh đạo của khối, hai ngày trước khi Nghị viện châu Âu khoá mới có phiên họp đầu tiên.
Theo kế hoạch, 28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, sẽ nhóm họp từ chiều tối 30/6 theo giờ Brussels và phiên họp được dự kiến kéo dài xuyên đêm, nhằm lựa chọn ra các gương mặt sẽ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Cao uỷ châu Âu phụ trách đối ngoại và an ninh, và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Đây đã là phiên họp thượng đỉnh thứ 3 của EU về chủ đề này, sau hai phiên họp thất bại vào cuối tháng 5 và một hội nghị cách đây 10 ngày.
Hiện tại, tình thế bế tắc vẫn chưa được khai thông. Trong lần họp trước, toàn bộ các ứng cử viên được các bên đưa ra đều không nhận được sự ủng hộ đa số, buộc các nước phải đi tìm kiếm các ứng cử viên khác, hoặc tìm kiếm các liên minh mới.
Cá voi do Nhật Bản săn bắt. (Ảnh: WSJ)
Nhật Bản rút khỏi IWC, nối lại hoạt động săn bắt cá voi thương mại: Nhật Bản vừa rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC)- động thái mở đường cho việc nước này nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại kể từ ngày 1/7.
Nhật Bản gia nhập Ủy ban Cá voi Quốc tế vào năm 1951 với nỗ lực nhằm bảo tồn số lượng cá voi. Sau khi nước này đình chỉ việc săn bắt cá voi thương mại vào năm 1988 theo lệnh cấm của Ủy ban Cá voi Quốc tế, họ đã không thể tìm được tiếng nói chung với các quốc gia phản đối săn bắt cá voi khác. Nhật Bản tuyên bố ý định rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế vào tháng 12/2018, với lý do nước này không thể tiếp tục đánh bắt cá voi thương mại theo các quy tắc của tổ chức kể trên.
Một số tàu săn cá voi đã sẵn sàng rời khỏi thành phố cảng Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi ngày 1/7 để nối lại hoạt động săn bắt cá voi ở Thái Bình Dương. Tại thành phố Kushiro, tỉnh Hokkaido, 5 tàu cũng có kế hoạch rời đi để săn cá voi ở vùng biển gần đó.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) phát biểu bế mạc Hội nghị G20. (Ảnh: Reuters)
G20 ra tuyên bố chung thúc đẩy thương mại tự do, công bằng: Sau 2 ngày nhóm họp, ngày 29/6, lãnh đạo G20 đã nêu rõ sự cần thiết của một chính sách thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Trong Hội nghị Thượng đỉnh này, chúng tôi đã nhất trí về các nguyên tắc cơ bản ủng hộ một hệ thống thương mại tự do, đó là đảm bảo thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử và thị trường mở cũng như các điều kiện cạnh tranh công bằng.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện đã không thể đối phó với việc số hóa nền kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại một luồng gió mới để cải tổ WTO."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết, các nhà lãnh đạo cũng tìm thấy điểm chung về biến đổi khí hậu mặc dù có "sự khác biệt lớn" trong quan điểm của các thành viên. 19 thành viên G20, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí "không thể đảo ngược" thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này.
Tổng thống Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gặp nhau tại thành phố Osaka ngày 29/6. (Ảnh: Reuters)
Mỹ không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 của Nga: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết sẽ không có lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp song phương giữa ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/6. Ông Erdogan cũng cho biết, Mỹ cũng sẽ chuyển giao máy bay chiến đầu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp những tranh cãi giữa 2 nước về thỏa thuận mua S-400 từ Nga.
Trước đó vào hôm 28/6, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Erdogan cũng đã khẳng định không có trở ngại trong việc hoàn thành thỏa thuận mua S-400 từ Nga và đang chuẩn bị đi tới tiến trình bàn giao.
Theo ông Erdogan, thỏa thuận mua hệ thống S-400 cho thấy sự cải thiện quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đó là việc cùng sản xuất và chuyển giao công nghệ.