Tổng thống Maduro. (Ảnh: Zona Cero)
Tổng thống Venezuela tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ: Theo hãng thông tấn AP, phát biểu trước những người ủng hộ, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố rằng, trước người dân Venezuela và các quốc gia trên thế giới, và với tư cách là Tổng thống lập hiến ông đã quyết định cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao và chính trị với “Chính phủ đế quốc Mỹ”.
Động thái này được đưa ra sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cùng ngày đã công nhận lãnh đạo đối lập Venezuela, ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ.
Tổng thống Maduro nhấn mạnh rằng, Mỹ đã phạm một sai lầm nghiêm trọng bằng cách công nhận Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela. Tổng thống Venezuela cũng ra lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ rời nước này trong vòng 72 giờ.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo nước này sẽ tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 24/3/2019. (Ảnh: Benar News)
Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn sắc lệnh về tổng tuyển cử: Ngày 23/1/2019, Nhà Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã phê chuẩn sắc lệnh Hoàng gia đề nghị tổng tuyển cử.
Sắc lệnh được ủy quyền cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ký và công bố trên Công báo Hoàng gia, có hiệu lực ngay lập tức.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sau đó đã công bố, cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ được tổ chức vào ngày 24/3 tới. Các ứng cử viên tham gia tranh cử vào Hạ viện có thể nộp đơn đăng ký từ ngày 4-8/2 và danh sách các ứng viên sẽ được công bố vào ngày 15/2/2019. Các cử tri ở nước ngoài có thể bỏ phiếu từ ngày 4-16/3.
Như vậy, sau nhiều lần trì hoãn, Thái Lan đã ấn định được cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra Hạ viện và thành lập chính phủ mới. Đây là cuộc bầu cử dân sự đầu tiên ở Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Máy bay chở hàng viện trợ tới sân bay Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
LHQ miễn trừng phạt các tổ chức cứu trợ Triều Tiên: Trong thông báo đăng tải trên trang chủ ngày 23/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nêu rõ một ủy ban LHQ phụ trách việc thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đã phê chuẩn đề nghị miễn trừng phạt của 4 tổ chức gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Eugene Bell, tổ chức "Những người bạn Cơ đốc giáo của Triều Tiên" và tổ chức phi chính phủ First Steps Health Society của Canada.
Theo đó, 4 tổ chức trên được phép chuyển các trang thiết bị đến Triều Tiên trong khuôn khổ các chương trình nhân đạo, trong đó có trang thiết bị hỗ trợ phòng chống các bệnh lao và sốt rét.
Danh sách các trang thiết bị mà UNICEF được phép chuyển tới Triều Tiên gồm máy tính và TV phục vụ hoạt động tại các bệnh viện, cùng 9 xe cứu thương trị giá 205.740 USD. Tổng giá trị của chương trình viện trợ này vào khoảng 520.000 USD.
Quỹ Eugene Bell được phép hỗ trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng các loa phóng thanh và micro. Chi tiết các thiết bị mà hai tổ chức còn lại viện trợ cho Bình Nhưỡng hiện chưa được công bố.
Ông Kevin Hassett. (Ảnh: AP)
Mỹ tin tưởng đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước tháng 3: Theo Reuters, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett ngày 23/1 bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại trước hạn chót vào ngày 1/3.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, Cố vấn Kinh tế Hassett nêu rõ: "Vâng, tôi tin rằng điều đó có thể xảy ra, rằng cuộc đàm phán đang có bước tiến. Vẫn cần đạt được nhiều tiến triển hơn nữa song tình hình hiện tại đang rất vững chắc. Và tôi nghĩ Trung Quốc nhận ra rằng họ có cơ hội trở mình bằng cách đạt được một thỏa thuận vì như bạn đã đề cập, tăng trưởng của họ đang tuột dốc."
Ông Hassett đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Washington và Bắc Kinh sẽ diễn ra trong hai ngày 30-31/1 tại thủ đô Washington, trong khi tình trạng một số cơ quan bộ ngành của Mỹ đóng cửa bước sang ngày thứ 33 và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: BBC)
Thủ tướng Anh khẳng định trì hoãn Brexit sẽ không giúp được gì: Thủ tướng Anh Theresa May ngày 23/1 cho rằng nỗ lực của một bộ phận các nghị sỹ nước này nhằm trì hoãn thời hạn Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, không phải là câu trả lời cho vấn đề "gốc rễ" hiện nay của nước này, đó là nên Brexit như thế nào.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà May nêu rõ việc cố gắng thiết lập một tình huống để gia hạn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon không giải quyết được vấn đề gì, bởi cuối cùng nước Anh vẫn sẽ phải đưa ra một quyết định. Các lựa chọn vẫn không có gì thay đổi, Brexit có thỏa thuận, Brexit không thỏa thuận hoặc là không Brexit nữa.
Tuyên bố trên của bà May đưa ra trong bối cảnh chiến dịch vận động nhằm kéo dài hạn chót Brexit vừa được tiếp sức, sau khi Công đảng đối lập cho biết đảng này nhiều khả năng sẽ ủng hộ đề xuất này nếu được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.