Trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: THX/TTXVN)
UAE khiếu nại Qatar lên WTO: Ngày 29/1, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi Qatar ban hành lệnh cấm hàng hóa có nguồn gốc từ UAE, khiến mối quan hệ vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa hai quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh thêm căng thẳng.
Theo một thông báo chính thức được hãng thông tấn nhà nước WAM công bố, UAE đã cáo buộc Qatar "vi phạm trắng trợn" các quy tắc, luật lệ của WTO, sau khi Doha khiếu nại lên WTO nhằm phản đối các hoạt động tẩy chay thương mại của UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập từ tháng 6/2017.
Hồi tháng 5 năm ngoái, nhà chức trách Qatar yêu cầu các cửa hàng ở nước này loại bỏ các mặt hàng có nguồn gốc từ 4 nước trên. Ngoài ra, Qatar cũng chủ trương ngăn chặn các mặt hàng nhập khẩu từ các nước trên thông qua nước thứ ba với lập luận đây là biện pháp nhằm "đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng" và chính sách thương mại này phù hợp với tất cả các thỏa thuận song phương và đa phương.
Cờ Trung Quốc và Mỹ. (Ảnh: The Week UK)
Phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ để đàm phán về chiến tranh thương mại: Ngày 29/1, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã bắt đầu tới Mỹ để hội đàm với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ hiện nay.
Dự kiến, trong hai ngày 30-31/1, hai bên sẽ tiến hành đàm phán về các vấn đề từ thâm hụt cán cân thương mại Trung - Mỹ, quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan... đến sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với chiến lược Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội cuối cùng để hai bên có thể đạt được một giải pháp chung trước khi thời hạn đình chiến kết thúc vào ngày 2/3 tới.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận chung giữa hai bên, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ hàng hóa của Trung Quốc.
Ông Kim Yong. (Ảnh: YouTube)
Bộ trưởng Y tế Singapore xin lỗi rò rỉ dữ liệu 14.200 người nhiễm HIV: Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong ngày 28/1 lên tiếng xin lỗi về việc để xảy ra rò rỉ dữ liệu bí mật của 14.200 công dân Singapore và người nước ngoài bị chẩn đoán nhiễm HIV.
Các thông tin bị phát tán bao gồm tên, số chứng minh thư, thông tin liên lạc, tiền sử bệnh tật, kết quả xét nghiệm HIV.
Nghi phạm được cho là Mikhy Farrera-Brochez, công dân Mỹ sống ở Singapore từ năm 2008 trước khi bị bắt giam vào năm 2017 vì gian lận và các tội danh liên quan đến ma túy.
Bộ trưởng Gan Kim Yong xin lỗi vì đã xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin, đồng thời cam kết Bộ Y tế nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh và rà soát lại hệ thống. Ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân.
Thủ tướng Rami Hamdallah. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính quyền Palestine đệ đơn từ chức: Ngày 29/1, chính quyền Palestine đã chính thức đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Mahmud Abbas.
Theo hãng thông tấn Wafa, thông báo trên được đưa ra sau một cuộc họp nội các của Thủ tướng Rami Hamdallah. Nguồn tin nêu rõ, mặc dù vậy, chính phủ của ông Hamdallah sẽ vẫn tiếp tục phục vụ người dân Palestine cho đến khi một chính quyền mới được thành lập.
Trước đó, Thủ tướng Hamdallah đã đề cập đến việc từ chức sau khi Ủy ban Trung ương đảng Fatah của Tổng thống Abbas đề xuất thành lập một chính phủ mới với sự tham gia của các thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Phản ứng trước thông tin từ chức trên, phong trào Hồi giáo Hamas, vốn không là thành viên của PLO, đã lên tiếng phản đối, cho rằng Tổng thống Abbas đang tìm cách củng cố quyền lực của mình.
Hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Kabul ngày 11/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Italy cân nhắc việc rút binh sỹ đang đồn trú tại Afghanistan: Ngày 29/1, Bộ Quốc phòng Italy đã khởi động tiến trình xem xét, đánh giá kế hoạch rút binh sỹ nước này khỏi Afghanistan.
Các nguồn tin từ bộ trên cho biết quá trình xem xét, hoàn thiện kế hoạch này có thể kéo dài khoảng 12 tháng.
Các thành viên đảng Liên đoàn trong hai viện Quốc hội Italy đã hoan nghênh quyết định này của Bộ trưởng Quốc phòng Elisabetta Trenta, cho rằng thời gian 12 tháng này sẽ cho phép giới chức có thẩm quyền xác định vai trò của Italy trong các sứ mệnh quốc tế đang tham gia.