Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

(Baohatinh.vn) - Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp; Điện Kremlin thông báo nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 14/4 - 20/4/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Nhà thờ Đức bà Paris bốc cháy dữ dội. (Ảnh: CNBC News)

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp: 18 giờ 50 ngày 15/4 (giờ địa phương), một ngọn lửa dữ dội bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris của Pháp, làm đổ sập ngọn tháp biểu tượng của công trình trong sự bất lực của người dân.

Bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ của lính cứu hỏa, công trình biểu tượng nước Pháp đã bị thiệt hại nặng nề. Gần 500 lính cứu hỏa đã nỗ lực không ngừng trong suốt 15 giờ để dập tắt ngọn lửa nuốt trọn phần mái của nhà thờ hàng trăm năm tuổi và thiêu rụi ngọn tháp Mũi tên. Cuối cùng, lực lượng cứu hỏa đã ngăn chặn thành công ngọn lửa lan sang hai tòa tháp chuông và cứu được 90% thánh tích cùng các tác phẩm nghệ thuật.

Các tác phẩm quý giá sẽ được phục chế và lưu giữ ở nơi an toàn. Dự kiến, các công trình nghệ thuật được trưng bày tại di sản hơn 850 năm tuổi này sẽ được chuyển đến Bảo tàng Louvre để khắc phục những hư hại nhỏ trước khi được đưa về trưng bày lại tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Theo truyền thông địa phương, nguyên nhân vụ cháy có thể liên quan tới dự án tôn tạo đang được tiến hành tại phần tháp của nhà thờ. Chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, quỹ đóng góp hỗ trợ phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris đã lên tới 1 tỷ euro. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm và sẽ mời các kiến trúc sư từ khắp thế giới gửi bản thiết kế nhằm xây dựng lại phần tháp Mũi tên bị đổ sụp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP)

Điện Kremlin thông báo nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều: Trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào cuối tháng Tư này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thảo luận về các mối quan hệ song phương, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hợp tác trong khu vực.

Phát biểu với báo giới ngày 19/4, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chủ đề thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ rất rộng. Ông khẳng định Moskva sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cũng theo ông Peskov, việc Điện Kremlin không tiết lộ thông tin về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều là vì lý do an ninh. Tuy nhiên, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thăm Nga trong 3 ngày, từ ngày 24/4 tới.

Kyodo dẫn các nguồn chính thức cũng cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới Nga bằng tàu hỏa và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Tổng thống Putin sẽ diễn ra trên đảo Russky, ngoài khơi thành phố Vladivostok.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe bắt tay nhau trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng. (Ảnh: Morung Express)

Tổng thống Mỹ là quốc khách đầu tiên của Nhật trong niên hiệu Reiwa: Trong phiên họp ngày 19/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mời Tổng thổng Mỹ Donald Trump thăm Nhật Bản từ ngày 25-28/5.

Sau khi Hoàng Thái Tử Naruhito chính thức đăng quang vào ngày 1/5, ông Donald Trump sẽ trở thành quốc khách đầu tiên thăm Nhật Bản trong niên hiệu mới Reiwa.

Nhân dịp này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiến hành hội đàm với Tổng thống Trump, trong đó nội dung chính là bàn biện pháp tăng cường mối quan hệ đồng minh thân thiết Nhật - Mỹ. Ngoài ra hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, công dân Nhật Bản bị bắt cóc, các vòng đàm phán mới liên quan tới Hiệp định thương mại song phương.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong buổi họp báo sáng 19/4 nhấn mạnh rằng, việc đón Tổng thống Mỹ và Phu nhân thăm Nhật Bản ở thời điểm bắt đầu thời đại mới của Nhật Bản với niên hiệu Reiwa là tượng trưng cho một sự gắn bó không thay đổi của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Ông cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa hai nước đóng góp vào hòa bình, phồn vinh của khu vực và thế giới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Tổng thống Indonesian Joko Widodo (trái) và ứng viên Phó Tổng thống Maruf Amin tại buổi họp báo sau cuộc bầu cử ở thủ đô Jakarta hôm 17/4. (Ảnh: AFP)

Đương kim Tổng thống Joko Widodo tuyên bố tái đắc cử: Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 18/4 rằng ông giành được 54,5% phiếu bầu, dựa trên kết quả của 12 trung tâm khảo sát ngoài phòng phiếu. Lãnh đạo của hơn 20 quốc gia trên thế giới đã gọi điện chúc mừng ông.

Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng sau, song kết quả "kiểm phiếu nhanh" do các trung tâm khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy ông Widodo dẫn điểm ít nhất 10%. Tổng thống Indonesia cũng nói rằng việc kiểm phiếu nhanh có độ chính xác cao và đất nước cần "kiên nhẫn chờ đợi" kết quả chính thức.

Cuộc bầu cử Indonesia diễn ra hôm 17/4 với hơn 192 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bầu để chọn ra 20.000 nhà lập pháp cấp địa phương và cấp quốc gia, trong đó gồm tổng thống. Tính đến chiều 18/4, kết quả kiểm nhanh 90% số phiếu bầu do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ISIS và Mạng lưới Cyrus thực hiện cho thấy ông Widodo tái đắc cử với 55,8% phiếu bầu cho liên danh Jokowi - Maruf Amin (ứng viên phó tổng thống). Trong khi đó, liên danh Prabowo Subinato - Sandiaga Uno giành được 44,2% phiếu bầu.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) vẫy chào những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố, tại trụ sở đảng Likud ở Tel Aviv, ngày 10/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Israel Netanyahu được chỉ định thành lập chính phủ mới: Ngày 17/4, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã chính thức chỉ định Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng ra thành lập chính phủ liên minh mới sau cuộc bầu cử Quốc hội (Knesset) lần thứ 21 vừa qua.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi chính thức chỉ định ông Netanyahu, Tổng thống Rivlin nhấn mạnh: “Trong các chế độ dân chủ, đa số nắm quyền quyết định. Và trong các cuộc bầu cử như vậy, đa số đưa ra tiếng nói của mình."

Tổng thống Rivlin cũng kêu gọi xoa dịu tình trạng chia rẽ xã hội sau những chỉ trích lẫn nhau giữa các đảng phái trước thềm bầu cử.

Quyết định chỉ định ông Netanyahu được đưa ra sau khi lãnh đạo các đảng đại diện cho 65 ghế trong Quốc hội mới, trong các cuộc tham vấn với Tổng thống Rivlin, đã đề xuất ông Netanyahu làm thủ tướng. Đây sẽ là nhiệm kỳ thứ 5 của ông Netanyahu.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàn Quốc thúc đẩy tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thứ 4: Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16/4 cho biết Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong chính phủ để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ tư giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra thông báo trên sau khi Tổng thống Moon Jae-in ngày 15/4 nói rằng đã đến lúc nghiêm túc thúc đẩy tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và ông muốn tổ chức ngay khi Triều Tiên sẵn sàng, bất kể cuộc gặp này sẽ diễn ra ở đâu và theo hình thức nào.

Tổng thống Hàn Quốc hy vọng nhân dịp cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo với ông Kim Jong-un sẽ thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên - đang bế tắc sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên, được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua, không đạt được thỏa thuận nào.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Quân đội Mỹ ở Trung Đông. (Ảnh: Middle East Eye)

Căng thẳng Mỹ - Iran: Ngày 16/4, các nghị sỹ Iran đã hoàn toàn ủng hộ dự luật xem các lực lượng Mỹ ở Trung Đông là khủng bố, một ngày sau khi quyết định của Washington coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố chính thức có hiệu lực.

Kênh truyền hình quốc gia Iran đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Tướng Amir Hatami, với sự cho phép của chính phủ, đã đưa ra dự luật trên nhằm đáp trả mạnh mẽ "các hành động khủng bố" của các lực lượng Mỹ.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là lực lượng phụ trách các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran. Lực lượng này cũng liên quan đến các lĩnh vực ngân hàng và vận tải biển của Iran.

Trước đó, ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố, động thái bị cho là sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Ông Omar al-Bashir lúc là Tổng thống Sudan tại lễ tuyên thệ nhậm chức của nội các mới ở thủ đô Khartoum ngày 14/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Sudan bị điều tra về cáo buộc rửa tiền: Một nguồn tin tòa án ngày 20/4 cho biết, các công tố viên nhà nước Sudan đang tiến hành điều tra Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir về các cáo buộc rửa tiền và sở hữu số lượng rất lớn tiền mặt mà không rõ nguồn gốc hợp pháp.

Ông al-Bashir đã bị quân đội phế truất và bắt giữ hôm 11/4 vừa qua sau làn sóng biểu tình kéo dài từ cuối năm 2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi phế truất Tổng thống al-Bashir, quân đội Sudan đã lập Hội đồng chuyển tiếp để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chờ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Ngoài việc bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp cũng bắt giữ 2 trong số 5 anh em của ông Bashir là Abdallah Hassan al-Bashir và Al-Abbas Hassan al-Bashir. Ông al-Bashir đang bị giam giữ tại một nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt ở Khartoum.

Thế giới nổi bật trong tuần: Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp

Boeing 737 MAX hoàn thành thử nghiệm bay có phần mềm cập nhật. (Ảnh: Reuters)

Boeing 737 MAX hoàn thành thử nghiệm bay có phần mềm cập nhật: Nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ ngày 18/4 tuyên bố, hãng này đã hoàn thành các thử nghiệm bay của máy bay Boeing 737 MAX có phần mềm cập nhật.

Các phi công của hãng đã thực hiện 120 lần thử nghiệm máy bay, tổng cộng hơn 203 giờ trên không. Máy bay được trang bị hệ thống tăng cường đặc tính cơ động (MCAS) cập nhật. Trước khi được cập nhật, hệ thống này được cho là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn ở Ethiopia ngày 10/3 vừa qua.

Trước đó, vào giữa tháng 3, các quan chức Boeing đã thông báo, công ty tiến hành ngừng giao hàng 737 Max cho khách hàng để khắc phục lỗi đã gây ra bởi hai vụ tai nạn nghiêm trọng chỉ trong khoảng 6 tháng. Ngay sau vụ tai nạn ở Ethiopia, nhiều quốc gia, bao gồm Nga, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cũng đã đình chỉ các chuyến bay Boeing 737 Max 8 và 9 vì lý do an toàn.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.