Ông Giuseppe Conte. (Ảnh: DW)
Thủ tướng Italy nhậm chức, chấm dứt khủng hoảng chính trị: Hôm 1/6, luật sư Giuseppe Conte đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Italy, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 3 tháng khi mà không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 4/3 để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Buổi lễ tuyên thệ diễn ra vào 16h theo giờ địa phương, tức 21h tối 1/6 theo giờ Việt Nam, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Rome. Ông Conte sẽ lãnh đạo một nội các mà trong đó liên minh giữa Liên đoàn phương Bắc và đảng Phong trào 5 Sao (M5S) đang chiếm đa số ghế.
Ông Mariano Rajoy, thủ tướng Tây Ban Nha trong cuộc họp bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông tại quốc hội ở Madrid hôm 1/6. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Tây Ban Nha mất chức: Kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra hôm 1/6 tại Tây Ban Nha đã phế truất cương vị thủ tướng của ông Mariano Rajoy, một trong những nhà lãnh đạo có thời gian tại nhiệm lâu nhất tại châu Âu.
Cụ thể, ông Rajoy chỉ giành được 169 phiếu trên tổng số 350 phiếu tại quốc hội trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do đảng Xã hội chủ nghĩa dẫn đầu, Reuters đưa tin.
Sau 6 năm cầm quyền, chiếc ghế của ông Rajoy bắt đầu lung lay kể từ khi Tòa án Tối cao Tây Ban Nha phán quyết cựu bộ trưởng tài chính Luis Barcenas thuộc đảng Nhân dân của ông này phạm tội nhận hối lộ, rửa tiền và trốn thuế. Barcenas đã bị kết án 33 năm tù.
(Ảnh minh họa: AP)
Malaysia chính thức kết thúc chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370: Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích bí ẩn trên Ấn Độ Dương hôm 8/3/2014 đã chính thức khép lại vào ngày 29/5/2018.
Theo hãng tin Sputnik của Nga, bằng chứng duy nhất tính đến hiện tại là mảnh vỡ thu thập được từ một quần đảo ở Ấn Độ Dương và bờ biển phía Đông châu Phi. Ít nhất 3 mảnh vỡ được xác nhận là của chiếc máy bay mất tích.
Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. (Ảnh: Ibtimes)
Hoàng Thái tử Saudi Arabia "biến mất" trong 4 tuần qua: Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã không xuất hiện trước công chúng trong 4 tuần qua. Ông Bin Salman được xem là một nhân vật nắm nhiều quyền lực và đang giữ ghế Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia.
Các cơ quan truyền thông phương Tây đã đưa ra những suy đoán liên quan tới sự việc bất thường này ở Saudi Arabia trong đó có cả âm mưu đảo chính quân sự.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Panmunjom, Khu Phi quân sự liên Triều hôm 27/4. (Ảnh: KCNA)
Quốc hội Hàn Quốc không thông qua dự thảo ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom: Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc đưa tin ngày 28/5, Quốc hội Hàn Quốc đã không thông qua được dự thảo nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom, vốn được lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.
Cụ thể, kế hoạch thông qua dự thảo này bị đổ vỡ do vấp phải sự phản đối của đảng Hàn Quốc Tự do đối lập, với lập luận rằng cần phải làm rõ nội dung phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong dự thảo. Đảng này muốn dự thảo phải nêu rõ điều kiện Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân "hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược."
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Nga Putin khẳng định không tái tranh cử năm 2024: Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/5 tại diễn đàn kinh tế ở St Petersburg: “Theo hiến pháp, không cá nhân nào có thể giữ vị trí Tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp… Tôi tuân thủ theo quy định này".
Kênh RT (Nga) cho biết ông Putin từng phục vụ 2 nhiệm kỳ Tổng thống từ năm 2000-2008. Trong khoảng thời gian từ 2008-2012, ông Putin giữ vai trò Thủ tướng Nga. Sau đó, ông Putin thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 trong năm 2012.
Trong tháng 3 vừa qua, với tư cách một ứng cử viên tự do, ông Putin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống với số phiếu ủng hộ ấn tượng là hơn 75%. Nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc vào năm 2024.
Anh em cựu thủ tướng Thái Lan được cho xuất hiện ở Washington D.C, Mỹ. (Ảnh: Bangkok Post)
Anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin bất ngờ xuất hiện tại Mỹ: Một số trang tin Thái Lan ngày 31/5 đã đăng các hình ảnh cho thấy cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và người anh trai Thaksin đang ở thủ đô Washington D.C (Mỹ).
Theo báo Bangkok Post, trong các bức hình, ông Thaksin và bà Yingluck đứng trước Đài tưởng niệm Lincoln – một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Washington D.C. Phó cảnh sát trưởng Srivara Ransibrahmanakul cho biết cảnh sát đang phân tích để xác định khoảng thời gian các bức ảnh này được chụp.
Báo Thái Lan đưa tin hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan sẽ ở Mỹ một khoảng thời gian trước khi quay về châu Âu trong tháng Sáu.
Trước đó, ông Thaksin và bà Yingluck đều bị phát hiện đi cùng nhau tới một vài nước, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore.
Tổng thống Syria Bashar Assad. (Ảnh: Sputnik)
Tổng thống Syria Assad công bố kế hoạch giải phóng hoàn toàn đất nước: Ngày 31/5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình RT của Nga, trong đó ông cho biết chính quyền Damascus có kế hoạch giải phóng và khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Nhà lãnh đạo Syria cũng tuyên bố các lực lượng Mỹ nên rút ra bài học từ cuộc chiến tại Iraq và rời khỏi Syria.
Theo ông Assad, chính quyền Damascus phải giải phóng mọi vùng lãnh thổ của Syria và để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Syria đã thương lượng với các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.
Ông Dan Propper, doanh nhân người Israel gốc Séc được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự tại Israel. (Ảnh: Haaretz)
Séc mở lại văn phòng Lãnh sự danh dự tại Jerusalem: Chiều 29/5, Cộng hòa Séc đã khai trương trở lại Văn phòng lãnh sự của mình tại Jerusalem sau một thời gian đóng cửa, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Séc và Israel.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Dan Propper, doanh nhân người Israel gốc Séc được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự, cho biết, với am hiểu và kinh nghiệm của mình, ông sẽ cố gắng kết nối doanh nhân hai nước, đóng góp vào việc thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư song phương.
Một phần của chiếc máy bay xấu số MH17 của Malaysia Airlines. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Malaysia khẳng định không có bằng chứng Nga bắn hạ MH17: Trả lời phỏng vấn ngày 30/5, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke khẳng định, cho đến nay chưa có bằng chứng thuyết phục nào trong số bằng chứng Nhóm điều tra quốc tế công bố cho thấy, Nga phải chịu trách nhiệm về vụ máy bay MH17 bị bắn hạ.
Tuyên bố trái ngược lại với công bố trước đó của các nhà điều tra Hà Lan và Australia cho rằng, tên lửa bắn hạ máy bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia khiến 298 người thiệt mạng, có nguồn gốc từ một lữ đoàn quân sự Nga.
Ông Loke khẳng định, sẽ có người phải chịu trách nhiệm về vụ việc này, nhưng cho đến nay không thể xác định là Nga và bất kỳ kết luận nào cũng phải dựa trên bằng chứng thuyết phục.