Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Mỹ không có đột phá trong các cuộc đối thoại nhằm mở cửa chính phủ: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục thất bại trong việc phá vỡ thế bế tắc chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ đã kéo dài 2 tuần qua.
Tổng thống Trump đã yêu cầu 5,6 tỷ USD để xây một bức tường dọc biên giới Mexico. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong tuần này đã thông qua một dự luật mở cửa lại chính phủ mà không cung cấp quỹ bổ sung cho bức tường. Tổng thống Trump cho biết sẽ không ký dự luật cho đến khi ông nhận được tiền xây bức tường.
Trong khi các bên tiếp tục không chịu nhượng bộ thì 1/4 chính phủ liên bang đã bị đóng cửa trong 2 tuần qua, khiến 800.000 nhân viên không được trả lương. Tổng thống Trump cảnh báo sẽ đưa ra bước đi sử dụng quyền lực khẩn cấp để xây dựng bức tường mà không cần có sự ủng hộ của Quốc hội. Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ đối mặt với các thách thức pháp lý.
Eric Drouet, thủ lĩnh phong trào biểu tình "Áo vàng" ở Pháp. (Ảnh: AFP)
Cảnh sát Pháp bắt thủ lĩnh phong trào biểu tình "Áo vàng": Eric Drouet, 33 tuổi, tài xế xe tải đến từ vùng ngoại ô Paris, một trong những lãnh đạo phong trào biểu tình "Áo vàng" tại Pháp, tối 2/1 bị cảnh sát chống bạo động bắt với cáo buộc "tổ chức biểu tình không khai báo". Hôm 3/1, Drouet được trả tự do trong thời gian chờ xét xử, theo New York Times.
Trước lúc bị bắt, Drouet đã kêu gọi những người tập trung bên ngoài một nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees tiếp tục "hành động".
Luật Pháp yêu cầu những người tổ chức biểu tình trên đường phố phải thông báo với chính quyền địa phương về kế hoạch của mình. Những ai vi phạm có thể đối mặt 6 tháng tù giam và trả tiền phạt khoảng 8.500 USD.
Vụ bắt Drouet là tín hiệu cho thấy chính phủ Pháp đang chuyển hướng tiếp cận cứng rắn hơn trước phong trào biểu tình "Áo vàng" đã diễn ra gần hai tháng qua. Drouet từng bị bắt khi cầm theo gậy gộc tham gia biểu tình vào ngày 22/12.
Hộp đen thứ nhất của máy bay Boeing 737-MAX 8 của hãng Lion Air được tìm thấy trên biển Java, ngoài khơi Karawang, Indonesia, ngày 1/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lion Air dừng tìm hộp đen máy bay Boeing 737 rơi tại Indonesia: Hãng hàng không Lion Air của Indonesia ngày 3/1 cho biết hãng đã chấm dứt tìm kiếm hộp đen thứ hai của chiếc máy bay Boeing 737-MAX 8 rơi xuống biển Java hồi cuối tháng 10 vừa qua khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Lion Air, Danang Mandala, nêu rõ hoạt động tìm kiếm hộp đen thứ hai bằng tàu MPV Everest với trang thiết bị hiện đại đã kết thúc vào lúc 23 giờ 59 ngày 29/12 theo giờ địa phương. Lion Air đã chi tới 38 tỷ rupiah (2,6 triệu USD) cho hoạt động tìm kiếm này song không đạt kết quả.
Hộp đen thứ hai là thiết bị ghi âm buồng lái, có thể chứa thông tin về những đoạn hội thoại cuối cùng giữa cơ trưởng và cơ phó trước khi máy bay rơi.
Bà Nancy Pelosy. (Ảnh: Reuters)
Bà Nancy Pelosy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Bà Nancy Pelosy ngày 3/1 đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhiệm kỳ hai năm 2019-2020.
Trước đó, đảng Dân chủ của bà Nancy Pelosy đã giành được đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm vừa qua.
Bà Nancy Pelosy nhận được 220 phiếu ủng hộ trong khi ứng cử viên Kevin McCarthy nhận được 192 phiếu. Đây là lần thứ 2 bà Nancy Pelosy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Trước đó, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này với nhiệm kỳ từ 2007 tới 2011 trước khi đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cùng phu nhân Michelle Bolsonaro trong lễ nhậm chức. (Ảnh: AP)
Tân Tổng thống Brazil nhậm chức, tuyên chiến với nạn tham nhũng: Rạng sáng 2/1 theo giờ Hà Nội, tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chính thức nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Brasilia.
Phát biếu trước Quốc hội sau khi nhậm chức, ông Bolsonaro đã cam kết sẽ tuân thủ những nguyên tắc dân chủ, tuyên chiến với nạn tham nhũng, tội phạm và cải thiện nền kinh tế.
Ông Bolsonaro cho biết chính phủ sẽ được dẫn đường bằng những cam kết của ông đối với cử tri Brazil, vốn thất vọng với nạn tham nhũng, tình trạng tội phạm bạo lực ở mức cao và nền kinh tế thiếu ổn định.
Vua Rama 10 của Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Nhà Vua Thái Lan sẽ tổ chức Lễ Đăng quang vào tháng 5/2019: Theo một thông báo được Văn phòng Hoàng gia Thái Lan đưa ra ngày 1/1, Nhà Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, tức Vua Rama 10 sẽ tổ chức Lễ Đăng quang ngôi Vua từ ngày 4-6/5.
Kế hoạch của Hoàng gia đã được Nhà Vua Rama 10 phê duyệt. Theo đó, Vua Rama 10 sẽ chính thức lên ngôi vào ngày 4/5 và sẽ ra mắt công chúng sau đó. Trong khuôn khổ Lễ Đăng quang, Nhà Vua cũng sẽ tham dự Lễ diễu hành và gặp gỡ các quan chức ngoại giao nước ngoài ở thủ đô Bangkok.
Quyết định của Mỹ rút khỏi UNESCO được công bố hồi tháng 10/2017 sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12 theo điều lệ của tổ chức. (Ảnh: Sputnik News).
Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO: Quyết định của Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), công bố tháng 10/2017, có hiệu lực vào ngày 31/12.
Washington bảo lưu tư cách quan sát viên, nhưng sẽ không còn đóng góp và được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới.
Năm 1984, chính quyền Ronald Reagan đã rời khỏi tổ chức, cáo buộc UNESCO chống Mỹ và lãng phí. Năm 2003, Mỹ trở lại UNESCO. Lý do cho việc rời bỏ tổ chức lần này là bất đồng về cuộc xung đột giữa Arabia và Israel.
UNESCO được thành lập vào ngày 16/11/1945. Trong số các vấn đề hoạt động của tổ chức là: chống phân biệt đối xử trong giáo dục và chống mù chữ; nghiên cứu văn hóa quốc gia và đào tạo cán bộ quốc gia, các vấn đề khoa học xã hội, địa chất, hải dương học và sinh quyển.
CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12, và đợt giảm thuế đầu tiên cũng đã được khởi động. (Ảnh: Monash Lens - Monash University)
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với các nước thành viên: Ngày 30/12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bắt đầu có hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi quá bán, tức là 6 nước trở lên trong số 11 nước liên quan.
Hiệp định này tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường gồm 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định này cũng từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị Nga buộc tội gián điệp. (Ảnh: Reuters)
Nga cáo buộc Mỹ bắt công dân để trả đũa: "Dmitry Makarenko, sinh năm 1979, đến đảo Saipan cùng vợ, các con nhỏ và bố mẹ già. Người này bị nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt tại sân bay ngay khi vừa đến nơi", Reuters dẫn thông cáo do Bộ Ngoại giao Nga công bố hôm 5/1.
Nhà chức trách Nga khẳng định Makarenko đã bị chuyển tới bang Florida, Mỹ và họ không liên lạc được với công dân này. Moskva cho biết Washington cũng chưa giải thích về vụ bắt người.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga chưa bình luận về thông tin này.
Trước đó, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan bị Nga bắt với cáo buộc xây dựng mạng lưới tình báo ở nước bằng các nền tảng trực tuyến như diễn đàn và mạng xã hội từ 10 năm trước. Whelan đã gặp gỡ trực tiếp với một số người Nga nhằm khai thác thông tin mà tình báo Mỹ quan tâm. Anh ta bị bắt sau khi nhận chiếc USB chứa danh sách nhân sự thuộc các cơ quan bí mật của Nga.
Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi. (Ảnh: AP)
Saudi Arabia yêu cầu tử hình các nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Tổng chưởng lý Saudi Arabia yêu cầu xử tử 5 trong số 11 nghi phạm liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi trong phiên xử ngày 3/1 ở Riyadh.
Thông tấn xã Saudi Arabia dẫn thông báo của tổng chưởng lý Saudi Arabia cho biết tất cả 11 người bị buộc tội trong cái chết của nhà báo Khashoggi đều có luật sư đại diện tại phiên tòa diễn ra tại thủ đô Riyadh.
Tổng chưởng lý khẳng định Saudi Arabia đã 2 lần đưa ra các yêu cầu chính thức đòi Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bằng chứng nhưng không nhận được phản hồi nào.
Danh tính của các bị cáo chưa được công bố chính thức, 5 quan chức cấp cao trong chính quyền Saudi Arabia, trong đó có cố vấn tòa án hoàng gia Saud al-Qahtani đều bị sa thải liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.