Hủy bỏ giải Nobel Văn học 2018 do bê bối tấn công tình dục: Lần đầu tiên trong 75 năm, ban giám khảo giải thưởng Nobel sẽ không công bố giải thưởng danh giá về văn học vào mùa thu này. Thay vào đó, vào năm 2019, họ sẽ công bố 2 người đoạt giải. Quyết định trên được Viện hàn lâm Thụy Điển thông báo vào 9h sáng ngày 4/5 (giờ Thụy Điển).
Động thái xuất hiện sau một chuỗi các cáo buộc về tấn công tình dục nhằm vào nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Claude Arnault – chồng của thi sĩ Katarina Frostenson, một thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển. Arnault còn bị cáo buộc đã làm rò rỉ tên của 7 người từng đoạt giải Nobel. Arnault đã phủ nhận cả 2 cáo buộc trên. (Ảnh minh họa: AlfredNobel.Org)
Triều Tiên chính thức hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc: Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), 22 giờ ngày 4/5 (giờ Việt Nam), tức 0 giờ ngày 5/5 (giờ địa phương), múi giờ của Triều Tiên đã chính thức hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc. Đây được coi là một biểu tượng của nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền.
Động thái của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bất ngờ đề xuất chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút, trùng với múi giờ của Hàn Quốc, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua. (Ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lịch sử hôm 27/4 ở Bàn Môn Điếm. Nguồn: AFP)
Mỹ, Triều Tiên đã chốt thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử: Hãng tin Bloomberg và hàng loạt hãng truyền thông Mỹ dẫn phát biểu của Tổng thống Donald Trump với báo giới tại Nhà Trắng trước khi ông lên chuyên cơ Marine One hôm 4/5 nói rõ: “Chúng tôi đã chốt thời gian và địa điểm (của hội nghị)”. Song ông Trump không cho biết thêm chi tiết.
Tổng thống Trump nêu rõ: “Chúng tôi đang có các cuộc thảo luận vững chắc với Triều Tiên”, bao gồm cả việc trả tự do cho ba công dân Mỹ bị giam giữ tại nước này. Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cũng từ chối bình luận và trả lời các câu hỏi của báo giới sau tuyên bố trên. Dự kiến, một thông báo chính thức sẽ sớm được công bố. (Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: CBS News)
Điện Kremlin bác bỏ thông tin Nga giảm 20% chi tiêu quốc phòng: Ngày 3/5, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Moskva đã giảm 20% chi tiêu quốc phòng trong năm 2017.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov cho biết Nga trên thực tế có xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng, nhưng con số 20% mà báo chí đã nêu là không chính xác.
Trước đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố một báo cáo vào ngày 2/5, trong đó cho thấy chi tiêu quốc phòng của Nga đã giảm 20% trong năm 2017, sự sụt giảm đầu tiên trong gần hai thập kỷ qua. (Ảnh: Binh sỹ Nga trong lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Nguồn: AFP)
Israel từ bỏ cuộc đua vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Ngày 4/5, Israel đã từ bỏ cuộc đua vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2019-2020.
Quyết định của Israel mở đường cho Bỉ và Đức nắm giữ 2 ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, một cơ chế phân bổ dựa theo khu vực khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức bỏ phiếu vào tháng 6 tới.
Đây là lần đầu tiên Israel có ý định giành 1 ghế tại Hội đồng Bảo an, gồm 15 thành viên thường trực và không thường trực. Israel không đưa ra lý do rút lui, song các nhà ngoại giao cho biết rõ ràng, Israel sẽ thất bại trước Đức và Bỉ khi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 8/6 tới. (Ảnh: Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nguồn: AP)
Ấn Độ có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới: Số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 2/5 cho thấy 2 thành phố New Delhi và Varanasi nằm trong số 14 thành phố của Ấn Độ có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5 trong năm 2016. Những thành phố này nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do WHO xếp loại.
Những thành phố còn lại của Ấn Độ có mật độ hạt bụi PM2.5 rất cao có thể kể đến là Kanpur, Faridabad, Gaya, Patna, Agra, Muzaffarpur, Srinagar, Gurgaon, Jaipur, Patiala và Jodhpur.
Số liệu của WHO còn cho biết cứ 10 người trên thế giới thì 9 người phải hít thở không khí có chứa các hạt bụi ô nhiễm. (Ảnh: Khói bụi ô nhiễm bao phủ thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Nguồn: AFP/Getty Images)
Mỹ hoãn quyết định áp thuế nhôm thép cho EU, Canada và Mexico: Ngày 30/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lùi thời hạn ra quyết định áp đặt thuế nhằm vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu đối với Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico tới ngày 1/6, nhằm dành thêm thời gian cho việc đàm phán.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế lần lượt 10% và 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ tạm miễn áp dụng các mức thuế này với Liên minh châu Âu và 6 nước khác tới ngày 1/5. (Ảnh: Một xưởng sản xuất thép ở Michigan, Mỹ. Nguồn: Reuters)
Đảng cầm quyền đề cử Tổng thống Erdogan làm ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử: Ngày 3/5, đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề cử đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trước thời hạn vào tháng 6 tới.
Thủ tướng Binali Yildirim cho biết ông Erdogan người đứng đầu đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, sẽ đại diện cho đảng này trong cuộc bầu cử vào ngày 24/6 tới tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan, 64 tuổi, trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên do người dân trực tiếp bầu ra từ tháng 8/2014. Dù chưa chính thức tuyên bố ra tranh cử, song hôm 29/4 vừa qua, ông Erdogan đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử đầu tiên của mình tại thành phố biển Izmir, nơi được coi là "thành trì" của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) theo đường lối trung tả đối lập. (Ảnh: Đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nguồn: Getty Images)
Lầu Năm Góc cấm bán điện thoại Trung Quốc tại căn cứ quân sự Mỹ khắp thế giới: Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/5 xác nhận cấm bán điện thoại Huawei và ZTE tại các cửa hàng bán lẻ trong căn cứ quân sự của nước này trên khắp thế giới, do lo ngại về mối đe doạ an ninh tiềm ẩn. Chính phủ Mỹ nghi ngờ các công ty có trụ sở tại Trung Quốc có thể đột nhập vào điện thoại, sử dụng thông tin để làm do thám cho chính phủ Trung Quốc.
Hồi tháng hai, các lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương, Cục Điều tra Liên bang và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo người tiêu dùng không nên mua điện thoại Huawei. Cả Huawei và ZTE nhiều lần khẳng định các thiết bị của họ không gây đe doạ an ninh với Mỹ. (Ảnh: Người mẫu cầm điện thoại Huawei. Nguồn: AsiaTimes)
Triều Tiên sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân vào tháng 5: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 29/4 cho biết, Triều Tiên sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân vào tháng 5 tới.
Triều Tiên sẽ mời các chuyên gia, nhà báo của Mỹ và Hàn Quốc đến nước này để chứng kiến và đảm bảo sự "minh bạch" khi đóng cửa bãi thử hạt nhân chính vào tháng 5, Yoon Young-chan, người phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 29/4 dẫn lời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo CNN.
Ông Yoon cho biết tuyên bố trên được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon hôm thứ 27/4 tại khu phi quân sự liên Triều. (Ảnh: Vị trí của bãi thử Punggye-ri trên bản đồ. Nguồn: AFP)